Lá thư tháng 9/2011 TÌNH THƯƠNG VÀ HIỂU BIẾT, ĐIỀU KIỆN ẮT CÓ VÀ ĐỦ ĐỂ BAO DUNG, THA THỨ
Đăng bởi: Diện ChẩnNgày đăng: Trong: Bài viết hay, Hoạt động, Sự kiện, Thông báo, Triết họcKhông có bình luận nào
Lá thư tháng 9/2011
TÌNH THƯƠNG VÀ HIỂU BIẾT,
ĐIỀU KIỆN ẮT CÓ VÀ ĐỦ ĐỂ BAO DUNG, THA THỨ
GSTSKH Bùi Quốc Châu
21-9-2011
Tại sao tôi viết bài này, một đề tài hầu như không dính líu gì đến Diện Chân? Nghĩ như thế có phần đúng nhưng nếu bạn đọc hay học viên nào đã từng đọc 2 bài viết của tôi về Đường hướng Việt Y Đạo và Những tâm niệm của môn sinh Việt Y Đạo trong tài liệu Kỷ yếu 20 năm thì sẽ thấy đề tài này nằm trong đường hướng Việt Y Đạo của tôi, vì Việt Y Đạo (trong đó Diện Chẩn và Âm dương khí công là cốt lõi) nhằm giúp cho con người tiến đến Chân Thiện Mỹ, tức hoàn thiện con người từ thể chất đến tinh thần, nghĩa là giúp cho mỗi học viên hoàn thiện con người của họ về Thân lẫn Tâm chứ không phải là chỉ giúp cho họ tự giải quyết những tổn thương, đau đớn, bệnh tật của thân thể họ. Vì một trong 2 nghĩa của ‘Việt Y Đạo’ có nghĩa là Vượt (Việt) qua Y để đến Đạo, cho nên Y (Diện Chẩn) chỉ là phương tiện giúp ta đạt đến chỗ cao hơn chứ không phải là mục đích. Đạo ở đây được hiểu như ‘con đường’ giúp cho mọi người sống tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn trong cõi đời này, chứ không có nghĩa là ‘tôn giáo’. Xin bạn đọc nhớ cho điều rất quan trọng này để tránh hiểu lầm về đường hướng của tôi.
Chính vì quan niệm rộng rãi như thế nên hai từ TÌNH THƯƠNG và HIỂU BIẾT trong tựa bài viết hôm nay đều nằm trong mục đích giúp cho chúng ta sống tốt đẹp hơn với người chung quanh, nhất là những người ở gần ta.
Tại sao tôi lại phải viết bài này? Vì từ xưa đến nay, BAO DUNG và THA THỨ cho kẻ khác, nhất đối với những người đã ghét và hại mình, là điều rất khó, nếu không nói là khó nhất. Chính vì thế, trong sâu thẳm trái tim của mổi người chúng ta, ai cũng có nhu cầu được yêu thương và tha thứ vì hầu như ai cũng thiếu tình thương và mắc phải những lỗi lầm nào đó trong cuộc đời mình. Cho nên hai điều nói trên trở nên là nhu cầu lớn của mỗi con người trên trái đất này. Cho nên ta thấy hầu như tôn giáo nào cũng kêu gọi mọi người hãy thương yêu nhau và tha thứ cho nhau. Như bên Phật giáo có hai chữ ‘từ bi’, ‘hỉ xả’ có nghĩa tương đương với hai chữ ‘yêu thương’ và ‘tha thứ’. Bên Thiên Chúa giáo có hai chữ ‘bác ái’ và ‘bao dung’ cùng có nghĩa đó mà Chúa Giê Su là người đã từng thể hiện tinh thần đó qua sự tha thứ cho những kẻ đã bắt giữ và hành hạ Chúa đến chết trên thập tự giá.
Thực ra trên đời này rất hiếm người có thể làm được như Chúa Giê Su. Tại sao như vậy? Là vì muốn làm được điều này, tức THA THỨ, ta phải có lòng THƯƠNG YÊU bao la đối với người khác, nhưng cũng chưa đủ, vì còn cần có HIỂU BIẾT nữa. Như cha mẹ thường hay la mắng, trách cứ con cái là hư hõng, bướng bỉnh, hỗn hào, là vì họ thiếu hiểu biết là tâm sinh lý con người ở tuổi mới lớn, mới vào đời, cũng như thiếu sự hiểu biết về xã hội, cho nên dù họ rất thương yêu con cái, họ vẫn không thể nào bao dung, tha thứ cho lỗi lầm của chúng được. Hậu quả là cha me, con cái thù ghét nhau và làm khổ nhau mà không giải quyết được gì hết do thiếu sự tha thứ cho lỗi lầm của nhau. Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết: “Có dung kẻ dưới mới là lượng trên”, nghĩa là phải quãng đại mới có bao dung.
Thực ra nếu suy xét cho kỹ thì không tha thứ cho nhau, thiếu yêu thương nhau chỉ khiến cho lòng mình khổ thêm và tạo thêm mối sân hận, oán thù, mà gốc của nó là do thiếu hai yếu tố cực kỳ quan trọng là THƯƠNG YÊU và HIỂU BIẾT. Hiểu biết rất quan trọng vì nó giúp ta hiểu rõ lý do tại sao người thân của ta lại làm điều xấu, điều ác, điều sai. Khi đã hiểu lý do tại sao người đó làm điều sai trái như vậy thì ta rất dễ tha thứ cho họ. Ngược lại, nếu ta không chịu tìm hiểu họ thì thường khó mà tha thứ cho họ dù bạn là người hay thương yêu người khác, tức là có lòng nhân từ.
Muốn hiểu người, mình phải đứng vào hoàn cảnh của người để xem xét thế nào. Lý do là nhiều trường hợp nếu đứng ở ngoài mà nhìn thì mình không hiểu tại sao người ta lại có thái độ hay hành động như vậy, còn nếu tự đặt mình vào địa vị của họ, mình sẽ hiểu thấu được lý do của những hành động, thái độ ấy.
Tuy nhiên, khi đề cao sự tha thứ và yêu thương, chúng ta cũng không nên quên đạo Trung Dung mà đức Khổng phu tử đã chủ trương, rằng ở đời cái gì cũng đừng nên thái quá. Trường hợp của Chúa Giê Su là quá đặc biệt còn thì ở đời chúng ta nên chọn sự vừa phải là dễ cho ta và cũng dễ cho mọi người. Còn nếu người nào cố tình gây ra tội ác mà “trời không dung, đất không tha” thì phải chịu trừng phạt chứ không thể tha thứ cho họ được, trừ khi họ thực sự ăn năn, hối cải. Và thường thì khi đã sai phạm, tội lỗi quá mức, pháp luật sẽ xử họ, mình không thể tham dự được.
Còn ở đây, tôi muốn nói về những trường hợp cư xử ở đời trong gia đình, anh chị em, vợ chồng, con cái, bạn bè, thầy trò, người cộng sự, bạn đồng nghiệp…, ta hãy cố gắng yêu thương và tha thứ cho nhau. Muốn vậy ta phải chịu khó tìm hiểu kỹ những người sống gần mình, hãy yêu thương và giúp đỡ họ. Chúng ta sẽ thấy rất dễ tha thứ các lỗi lầm lặt vặt của họ. Khi ta làm được như thế sẽ thấy mình cao thượng hẳn lên và lòng mình sẽ tràn đầy hạnh phúc. Mình sẽ được nhiều người mến thương vì lòng nhân từ và bao dung của mình.
Thế gian này luôn cần những người biết yêu thương và tha thứ kẻ khác một cách thật lòng.