Những Cái Ôm Của Tình Người

Những Cái Ôm Của Tình Người
Ngày đăng: 28/01/2021 02:46 PM

    Những Cái Ôm Của Tình Người

    Đăng bởi: Diện ChẩnNgày đăng: Trong: Bài viết hay

    *La

    Tôi cất tiếng khóc chào đời vào 8 giờ 30 sáng ngày 4 tháng 1 năm 1984, là con trai út trong một gia đình người Hoa. Bà nội tôi tiếp tục bán thuốc Bắc sau khi ông nội thứ 2 của tôi qua đời. Mà bà nội cũng thật lạ lùng là khi có người mua thuốc, nhắm thấy bệnh nặng là bà chỉ người ta đi bác sĩ Tây y liền. Sau này khi bà mất ở tuổi 82, mẹ tôi kế tục được một thời gian nhưng rồi cũng ngưng bán thuốc vì thời thế thay đổi. Tiệm thuốc nhà tôi có tên là Vạn An Hòa Đường. Đến tận bây giờ cũng còn có người hỏi thăm khi tôi nhắc đến hồi xưa nhà tôi có bán thuốc bắc ở bên hông chợ Xóm Mới.

    Bạn có thể hỏi còn ba tôi tại sao lại không theo nghề thuốc nhỉ? À cái này thì tôi cũng không hiểu tại sao, chỉ biết hồi nhỏ ba đi học nội trú nên ít khi gần bà nội mà chắc là không hợp tính tình với ông nội hai của tôi nên tất nhiên là không có tình yêu với nghề thuốc. Thêm nữa là khi bệnh thì dùng thuốc Tây, mà thuốc Tây lại cho kết quả tức thời sau năm mười phút uống chứ không như thuốc Bắc lại đi đường vòng, phải một hai hôm sau mới thấy công hiệu. Đến tận bây giờ ba tôi vẫn là tín đồ trung thành của thuốc Tây, mặc dù nó mang đến tác dụng phụ không ngờ như bị nữ hóa, tuyến vú to lên, kết quả của việc uống thuốc đau bao tử có cái tên là “si-mê” (Cimetidin 400mg) hơn 30 năm. Nhưng ngưng thuốc theo bác sĩ thì nó trở lại bình thường sau gần 1 tháng. Hơn 30 năm uống thuốc đến nay đã 72 cái xuân rồi mà bệnh đau bao tử vẫn còn tái phát nếu ngưng uống 1 vài ngày hoặc khi ăn món gì đó không hợp là đau lại liền. Lại thêm thuốc huyết áp, thuốc dị ứng chống ngứa, thuốc tiêu hóa chống đầy hơi… nào là thuốc và thuốc. Mấy giờ thì uống thuốc này mấy giờ thì uống thuốc kia, chính xác như đồng hồ Thụy Sỹ, vậy mà sao ba tôi vẫn không hết bệnh nhỉ? Câu hỏi này cứ vấn vương trong đầu tôi.

    Còn mẹ tôi có kém ba 8 cái xuân nhưng nói về thuốc thì cũng không kém phần là mấy với ba. Khi mỗi sáng hoặc chiều tối là mẹ tôi lại mờ cái tủ, cắt rời từng viên rồi đếm cho đủ số lượng thuốc dùng trong một ngày. Nhìn những viên thuốc xanh-đỏ-tím-vàng, to-nhỏ, vuông-tròn, có khi hình thoi, có khi có hình trăng lưỡi liềm, còn màu sắc thì đẹp một cách ma quái như tím cà, xanh da trời, hồng phấn, vàng đậm hay đỏ sặc sỡ… Có khi tôi nói đùa khi mẹ đang cặm cụi cắt thuốc là “Sao con thấy má như đang chơi đồ hàng giống con nít vậy”. Mẹ tôi bị đau bao tử do tác dụng phụ của thuốc chữa gai xương, bị hở van tim 2 lá ¼, bị thiếu máu não, huyết áp cao vô căn. Nhưng bệnh làm mẹ tôi khó chịu nhất là bệnh đau bao tử.

    Tôi còn nhớ vào những năm 2002 – 2008 là những ngày tôi chở mẹ đi khám bệnh tim, bệnh đau gót chân, đau cổ gáy do mẹ bắt đầu trải qua độ tuổi thay đổi nội tiết tố. Bệnh mà cứ như đùa, có lúc gần 12 giờ đêm mẹ tôi lên cơn mệt nhịp tim đập không đều, tôi phải chợ mẹ đi cấp cứu ở bệnh viện Gò Vấp, nơi cách nhà tôi khoảng 10 phút đi xe máy. Vô khoa cấp cứu, được uống thuốc gần 1 tiếng thì lại hết mệt, về nhà. Nhiều lúc không hiểu mình bị bệnh gì nên mẹ cũng rất lo lắng, giá như lúc này mà tôi biết đến Diện Chẩn thì hay quá. Tôi có thể sơ cứu cho mẹ như mấy lần gần đây khi mẹ bị tuột huyết áp, lạnh người, buồn ói vì ăn bún măng vịt với rau sống ngoài chợ. Hay lúc mẹ bị lạnh do bị mắc mưa làm xây xẩm mặt mày thì Diện Chẩn đều giúp mẹ tôi ổn định lại các chỉ số sống (thân nhiệt, huyết áp, hơi thở), trước khi tính đến chuyện đi bệnh viện. Sau này khi tìm hiểu các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc đặc biệt là các bệnh liên quan đến ăn uống, tôi mới biết là do mẹ tôi ăn trái cây nhiều hơn bình thường, thường bỏ bữa trưa mà ăn cả trái dưa hấu hay đu đủ… để bớt cân nặng. Đến khi có bệnh thì do sợ nên ai nói bác sĩ nào hay là đi bác sĩ đó. Tôi vẫn nhớ khi đi chợ mẹ đi khám bác sĩ khoa tim, tôi và mẹ phải ngồi chờ sau cả chục người đang ngồi phía trước trong 1 phòng khám nho nhỏ gần cầu Công Lý mặc dù đã tranh thủ đi sớm 1 chút. Cả tháng như vậy, thật ngao ngán nhưng phải ráng vì bệnh tật là trên hết. Sau đó thì bệnh ổn định, mẹ không lên cơ mệt nữa. Vừa xong tim thì đến xương bị gai ở cổ, đốt sống, lại phải đi tìm bác sĩ khoa xương bệnh viện 175, định mệnh an bài nên gặp vị bác sĩ có xuất thân từ quân y. Cho thuốc như đánh giặc, tôi nhìn bịch thuốc mà thấy sợ. Vậy là gai xương được giải quyết vừa xong thì đến bao tử lại lên tiếng, rồi sau này nó trở thành bệnh mãn tính có tên là viêm xung huyết hang vị…

    Còn tôi thì được sinh ra trong những năm kinh tế gia đình còn khó khăn nên thể chất cũng không khỏe như mấy đứa con trai bình thường. Tôi thường bị tiêu lỏng, có màu xanh. Lần nặng nhất lúc bị bệnh thương hàn đường ruột khi đang học lớp 5, có lẽ là do tôi hay ăn vặt ngoài đường. Mất một tháng nằm tại bệnh viện Chợ Rẫy, khoa bệnh truyền nhiễm nhiệt đới, tôi mới có thể đi học lại. Có lúc cũng nguy kịch vì lúc này thuốc men chưa nhiều, lần cuối bác sĩ nói sẽ chích cho tôi liều thuốc diệt trùng mạnh nhất. Qua 1 đêm, nếu sáng mai khi xét nghiệm máu thấy vi trùng giảm thì có thể yên tâm, bằng không sẽ rất là nguy. Vi trùng thương hàn vốn làm tổn thương mao tạng ruột nên tôi đi tiêu thường thấy màu tối và mùi hôi. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ 11 tuổi, tôi rất thích đọc truyện, đặc biệt là truyện tranh dũng sĩ Héc-man, đoạn mà tôi thích nhất là đoạn nói về năng lượng. Con người có thể hấp thu năng lượng mà không cần ăn, và có thể chuyền hay phóng nó như trong các phim kiếm hiệp của Kim Dung mà nhà tôi hay coi mỗi tối. Không biết sao tôi lại có suy nghĩ sử dụng năng lượng để diệt hết các con vi trùng kia. Tối đó với ý chí tôi phải sống, ngày mai phải hết bệnh, tôi tưởng tượng một luồng ánh sáng màu vàng xuất phát từ rốn rồi lan dần khắp cơ thể, đi đến tận cùng các ngón tay, ngón chân. Nhưng tại sao tôi lại làm vậy? Vì tôi nhớ khi đọc trong truyện người ta hấp thu năng lượng từ rún, vậy tôi đoán chỗ này là trung tâm của năng lượng. Ánh sáng này đi đến đâu thì vi trùng tan biến đến đó. Sau đó tôi chìm vào giấc ngủ cho đến sáng hôm sau. Thật là một kỷ niệm thú vị mà tôi nhớ hoài cho đến bây giờ mới có dịp kể ra cho các bạn biết. Khi xét nghiệm máu thì bác sĩ thông báo thuốc đáp ứng tốt như vậy khoảng 1 tuần nữa tôi có thể xuất viện. Nhìn 2 bên tay chỗ mà người ta hay lấy máu xét nghiệm đó, tôi thấy lấm chấm vết tích của những lần đâm kim vào tĩnh mạch. Lúc này mẹ là người chăm sóc tôi nhiều nhất, ba đi làm thi thoảng mới ghé vào buổi chiều, hai chị thì thay phiên cho mẹ về tắm rửa và nấu ăn. Bệnh tật thật khổ, thật phiền lụy đến nhiều người, thật đau đớn, thật tốn kém, thật là buồn. Chiều hôm đó tôi bắt đầu đi bộ dưới sân của bệnh viện, người đã bớt mệt hơn hôm trước. Tôi phát hiện ra chỗ góc kia có cái kios bán đủ thứ bánh kẹo, và đặc biệt là có treo mấy cuốn truyện mà tôi rất thích, mắt tôi có thể nói là sáng hơn sao trên trời vào lúc đó.

    Được chị gái lớn tài trợ, tôi mua được vài cuốn truyện cổ tích in chữ, trong đó có 1 truyện mà tôi thích và nhớ tới giờ là “Câu chuyện về suối bạc, cây vàng và con chim biết nói”. Thêm cuốn truyện tranh đầu tiên mà tôi mua được là của nhà xuất bản Kim Đồng, bìa có màu tím đề tựa là “Nôbita lạc vào xứ sở thần tiên”, tập 8 của bộ truyện Đô-rê-mon, cuốn truyện mà tôi luôn giữ để làm kỷ niệm cho lần khám phá ra thế giới truyện tranh đầy màu sắc tưởng tượng của Nhật Bản. Là cuốn đầu tiên trong bộ sưu tập truyện tranh lên đến hơn 600 – 700 cuốn các loại vào năm 2002. Nhưng rồi mấy chú mối đã 2 lần ghé thăm. Tôi bị mất hơn 2/3 số sách trong cái kho sách nhỏ bé đáng thương của mình. Kể cả những cuốn sách của mẹ mà tôi yêu quý như “vạn vật học lớp 9” có hình giải phẫu các loài côn trùng rất đẹp cùng các chú thích về tập quán sinh sống của chúng, “cây vĩ cầm của mùa hè” nói về các loài côn trùng vào mùa hè, sách về các loại nấm mọc trong tự nhiên, và các cuốn truyện nói về người anh hùng Odyssé, Hercules (dịch là hẹc-quin), cuốn ‘Hai vạn dặm dưới đáy biển’ của Jules Verne… Đối với tôi sách là báu vật, là cục cưng. Tôi xem xong một cuốn sách nào hay thậm chí có xem nhiều lần đi nữa thì nó vẫn còn mới nguyên, không 1 nếp gấp, không 1 ghi chú. Vậy mà “nó” đã xơi kho báu của tôi. Thật là đau lòng, thật là tức tối, nên tất nhiên phải trả thù bằng thuốc diệt mối. Nhưng cũng thật cám ơn chúng nó, vì khi mất đi cái quý giá mà tôi luôn quấn quýt sau mỗi giờ đi học về. Tôi thấy mọi thứ mình có trong tay thật vô định, mơ hồ cho dù mình có nắm chặt đến đâu đi nữa.

    Lúc nhỏ tôi thích coi phim kiếm hiệp của Kim Dung, không phải chỉ mình tôi mà cả nhà đều như vậy. Không hiểu sao tôi bị ấn tượng bởi những đoạn đối thoại giữa nhà sư và kiếm khách. Luyện kiếm cũng có từng tầng bậc, đầu tiên là thành thạo chiêu thức với kiếm, tiếp theo là có thể sử dụng bất kì cành cây hay ngọn cỏ nào cũng có thể trở thành kiếm, tiếp theo nữa là không cần vật mà có thể tạo ra kiếm bằng khí, cấp cuối cùng chỉ cần nhìn thôi cũng trở thành kiếm. Và đoạn mà tôi nhớ nhất là nhà sư nhắc người luyện kiếm, càng lên cảnh giới cao thì càng nguy hiểm vì dễ nhập ma đạo nên phải có Phật pháp để làm đối trọng để giữ cho mình không bị lạc lối. Nghe thấy nó hay hay phải không bạn? Khi đem so với Diện Chẩn thì rất là vui. Người mới học Diện Chẩn thường sử dụng nhiều dụng cụ khác nhau, nhiều phác đồ khác nhau để chữa bệnh. Sau một thời gian khi có kinh nghiệm thì bắt đầu chỉ dùng một số dụng cụ, phác đồ mà mình thích. Tiếp tục nghiên cứu tiếp thì khi chữa bệnh chỉ cần sử dụng 3 – 4 huyệt chính, hoặc có thể dùng 1 – 2 dụng cụ như Nhất dương chỉ hay vô chiêu nằm trong 33 Đại Giản thuật của Diển Chẩn. Tiếp tục tập âm dương khí công thì ta có thể chữa bệnh bằng các huyền công như: niệm công, ảnh công, phóng công, chỉ công, đàn chỉ thần công, ý công, ngôn công, thủy công, nhẵn công, khoán công, từ công, phách công, thập tự công, xoắn công, hỏa công, xuy công, hoàn công, khoát vân công, bốc công… cũng có thể chữa được bệnh. Mà cốt lõi của Diện Chẩn là Tâm ngôn của Thầy, là trọng tâm của ngôi sao sáu cánh Diện Chẩn được in trong trang đầu sách giáo trình. Khi có nhiều kinh nghiệm trong chữa bệnh ta đọc Tâm ngôn sẽ thấy rất thấm, ngược lại người nào thấm được Tâm ngôn cũng sẽ có những cách chữa bệnh hay. Tôi lấy ví dụ 1 câu mà có nhiều người thích “chớ lội ngược dòng nước xoáy, chọn đường trống mà đi, chọn việc dễ mà làm”. Lúc đầu nghe có vẻ lười biếng, mắc cười, nhưng suy nghĩ thì thấy rất chí lý. Việc dễ là việc mình làm được thì sao mình không chọn làm việc đó, đường trống tất nhiên đi sẽ thoải mãi hơn đi trên đường bị kẹt xe rồi, còn dòng nước thì mình lội ngược dòng để làm gì cho nguy hiểm? Áp dụng vào việc chữa bệnh cũng vậy, ta chỉ nhận chữa những bệnh mà ta thấy có thể chữa được ở trình độ hiện tại của mình, chứ không vì danh tiếng mà nhận những bệnh khó để rồi sẽ có thể chuốc họa về sau.

    Năm 1995 nội tôi mất vì bệnh viêm tràn dịch màng phổi, đó là lần đầu tôi chứng kiến một người từ lúc bệnh cho đến lúc lìa bỏ cõi đời này trong bệnh tật. Khi chứng kiến điều này, ý thức về cuộc sống trong tôi bắt đầu nhen nhóm. Vòng thời gian tiếp tục quay cho đến cái ngày mà tôi không thể quên được, đó là 1 ngày nào đó của học kỳ 1 lớp 8 tại trường trung học cơ sở Phan Tây Hồ. Trường cách nhà tôi 15 phút đi bộ. Trong lúc chơi rượt bắt cùng các bạn, tôi tập trung chạy thật nhanh đến nỗi quên luôn các bạn đang đuổi theo mình. Lúc này trong đầu tôi chỉ còn biết né qua né lại khi gặp người cản phía trước. Trong khoản 5 phút như vậy, đột nhiên tôi bị rơi vào cảm giác rất kỳ lạ. Tôi ngừng chạy và ngồi xuống bờ bao xi-măng xung quanh gốc phượng ở giữa sân trường. Tôi ngắm nhìn mọi thứ xung quanh một cách thích thú. Tôi thấy mọi thứ như rực sáng hơn bình thường, từ bầu không khí đến các bạn đang đi qua lại, cây cối, vạch nắng chiếu trên tường của lớp học… cũng khác thường so với mỗi ngày. Đó là cảnh tượng mà tôi chưa được thấy bao giờ. Còn bên trong, tôi nghe như có 1 khối sức mạnh đang tuôn trào, đến nỗi tôi nghĩ mình có thể xô đổ bức tường gần đó 1 cách dễ dàng. Sức mạnh như tuôn trào, như người ta bơm căng 1 cái bong bóng đang ỉu xìu vậy, như bóng đèn đang bị lưu mờ do dòng điện yếu nay đột nhiên vụt sáng trở lại. Một cảm giác mà tôi kiếm tìm cho đến tận bây giờ. Được như vậy khoảng 5 phút thì tất cả trở về bình thường, như bong bóng bị xì hơi, như dòng điện bị tuột áp làm bóng đèn mờ trở lại. Tôi thấy ranh giới giữa 2 cảm giác thật rõ ràng. Từ lớp 1 đến học kỳ 1 lớp 8, lúc nào tôi cũng ở thứ hạng hai mươi mấy, có lúc cũng gần đội sổ vậy mà sau lần đó tôi tự nhiên học giỏi hẳn lên. Tôi bắt đầu ý thức được sự khác nhau giữa mình với ngững người khác, giữa nam với nữ… bắt đầu để tâm đến nghĩa của từ ngữ. Tôi thích tìm hiểu nghĩa của từ, thích nói văn chương, vì thế mà môn tập làm văn cũng tiến bộ được ít phần. Sang học kỳ 2 tôi leo lên hạng 18, lên lớp 9 tôi được hạng 5, và hạng 3 khi học lớp 12.

    Từ lần kinh nghiệm được cảm giác kỳ diệu đó, tôi bắt đầu thấy thích thú về các vấn đề năng lượng, Phật pháp, bói toán, chỉ tay, ngũ hành, phong thủy, kinh Dịch… những thứ mang tính chất huyền bí khó hiểu đó thật sự rất thu hút, nhưng chưa phải là đam mê nên tôi chỉ dừng lại ở tầm thêm kiến thức thôi, chứ không đi sâu hơn nữa. Khi học Diện Chẩn khóa 137, Thầy nói một câu mà con nhớ lại hồi đó thấy thấm thía vô cùng: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” còn câu sau của 1 Thầy khác mà con học được: “Bá nghệ tinh, thì đi ăn xin”. Lúc này tôi cũng bắt đầu nghe các bài giảng Phật pháp, cho đến đỉnh điểm là năm 2008 khi bắt gặp các bài pháp thoại của Thầy Tuệ Hải về dưỡng sinh, về Phật pháp. Khi nghe kinh Pháp Bảo Đàn của lục tổ, đoạn “định huệ đồng đẳng”, tức là khi tâm được định thì trí tuệ liền sanh, còn Tâm ngôn Diện Chẩn có câu: “tâm bình thì trí sáng”. Tôi mới biết mình đã chứng nghiệm được 1 trong các cảnh giới của tâm. Từ đó tôi mới hiểu được chút phần về thiền tông, tôi thấy không phải ngồi kiết già mới được gọi là thiền mà nếu khéo thì chạy nhảy cũng là thiền. Rồi vào một buổi tối, khi không ngủ được do bao tử bị đau, nằm đưa mình trên võng, tôi khi thực hành theo cách mà Thầy Tuệ Hải nói trong băng giảng kinh Lăng Nghiêm, là chú ý đến khoảng trống giữa hai dòng suy nghĩ, một lúc sau tôi chứng nghiệm được cảm giác khi suy nghĩ mình tạm thời tắt mất. Đó là do ý căn tạm lắng xuống. Như một người bị bịt kín miệng, hỏi gì cũng nghe cũng hiểu nhưng không trả lời được, tôi cố gắng nặn óc suy nghĩ về một cái gì đó nhưng vẫn không được, khoảng 5 phút sau thì tôi suy nghĩ lại được, tôi lại hiểu thêm được chút phần về công phu tu tập.

    Đến năm 2014, tôi quy y tại chùa Long Hương do Thầy Tuệ Hải truyền giới, lúc này tôi mới thấy mình chính thức là Phật tử. Sau buổi lễ quy y tôi thấy một niềm hạnh phúc kỳ lạ, tôi thấy bình yên, thấy không sợ hãi đến nỗi sáng hôm sau trên đường đi làm, vừa chạy xe vừa mỉm cười sau khẩu trang. Tôi có cảm giác như mình được bao bọc trong 1 cái gì đó mà không tai nạn nào có thể xảy ra được đối với mình. Cảm giác đó giảm dần theo từng ngày, đến cuối ngày thứ 5 thì hết hẳn, từ đây tôi lại hiểu được chút phần 2 chữ “an lạc”. Sau này khi giảng pháp, sư phụ có nói ai chưa được như vậy thì nên đi nghe lại buổi truyền giới. Được như vậy mới gọi là kết nối được với đức Phật, kết nối được với tâm từ của chư Phật.

    Đến năm 2008 bà ngoại tôi mất, ở tuổi 79 bà ăn chay trường, bà bị phình động mạch chủ do có khối u trong đó, thêm 1 dấu ấn về cái chết trong ký ức của tôi. Sâu đậm nhất là 2 năm sau đó cậu tôi cũng mất, cậu bị té đập đầu xuống đất do thắng xe gấp khi gặp cái mô đất mà người ta hay làm để giảm tốc xe. Mặc dù có đội nón bảo hiểm nhưng cậu vẫn bị xuất huyết não, sau khi cấp cứu ở bệnh viện, phổi không tự thở được nữa, phải bóp bóng liên tục, sau đó phải làm đủ cách mọi người mới đưa được cậu về để chết tại nhà. Kéo dài được 1 tuần thì cậu tôi mất, hôm đó tôi là người bóp bóng sau cùng, tôi chứng kiến được màu da, màu mắt con người ở ranh giới giữa sống và chết. Da vàng, một màu vàng ảm đạm, màu của lá khô héo úa rời cành, còn mắt thì khô, con ngươi đục không còn trong nữa. Lúc đó mới thấy cuộc sống thật quý giá biết chừng nào, mới thấy tài – sắc – danh –  thực – thùy mông lung sương khói biết dường nào.

    Trở lại với năm lớp 9, trong một lần chơi đá banh, tôi bị banh bay trúng vào bụng dưới đau điếng người. Đó là nguyên nhân khiến tôi phải vào bệnh lần thứ 2 để mổ thắt tĩnh mạch. Khi lên lớp 10 nó thường làm tôi nóng sốt vào buổi chiều. Trên bàn mổ, tôi được gây tê nửa thân dưới bằng một cây kim dài khoảng 12 phân, chị y tá chích vào cột sống giữa lưng, hai tay tôi bị cột lại. Tôi nhớ lại lúc mình thực hành mổ ếch, mổ cá lóc, thì bây giờ tôi cũng vậy. Chơi đá banh đôi lúc cũng nguy hiểm thật, như anh chở ga cho nhà tôi. Khi không thấy anh đem ga tới nữa, hỏi ra mới biết anh chơi đá banh bị rách gân đầu gối, thế là bỗng dưng bị tốn mấy chục triệu và còn khuyến mãi cho cái sẹo to trên đầu gối nữa. Tôi cũng nghe kể có 1 em 15 tuổi chơi đá banh cũng bị y như vậy.

    Nằm trong phòng hồi sức, khi thuốc tê chưa hết tác dụng, tôi lấy tay nhéo thử vào chân mình, một cảm giác khó tả, nó giống như 1 tảng thịt không còn cảm giác, tôi dùng hết sức muốn nhấc chân nhưng không được. Bấy giờ thì mới hiểu cảm giác của những người bị liệt bán thân là như thế nào, nhìn xung quanh tôi thấy những người khác cũng đang nằm như tôi, lớn tuổi cũng có, nhỏ tuổi cũng có, nam hay nữ cũng có, vài ca nặng thì kèm theo bên cạnh giường máy theo dõi chỉ số sống, hay túi thông nước tiểu. Nhìn thấy cảnh này thì bao nhiêu cái gọi tự hào, cái gọi tự cao cũng tan biến, người nổi tiếng quý tộc, hay vô danh nghèo hèn cũng như “rứa” (cũng như thế). Chị Lan anh ơi! chính vì vậy mà khi nghe chị kể về cuộc đời của mình em rất là cảm thông đối với chị. Thật đúng là “vô tri bất mộ” mà.

    Thuốc men Tây y thật hay nhưng cũng lắm tác dụng phụ không mong muốn như tôi đã kể ở trên, nên đối với tôi nó cũng không ngoại lệ. Tôi bị viêm mũi dị ứng cũng là do lạm dụng thuốc chống dị ứng (chống histammin) hình chữ D màu đỏ nhạt (CÉZIL SANOFI chứa dược chất Cetirizin Hydrocloride 10mg). Khi bị cảm, ba đưa tôi mấy viên thuốc này, khi uống xong thì 5 – 10 phút sau đã ngưng chảy mũi nên ba tôi thần tượng thuốc này lắm. Kết quả là một tuần sau đó khi tôi ngưng uống là bị chảy nước mũi và hắt hơi. Thế là tôi mất 2 tuần để cai thuốc, từ liều dùng ngày 2 lần xuống nửa viên cách ngày rồi ngưng hẳn. Đã có tỳ vết nên khi đi ra đương nắng gió, bụi bặm, hay thay đổi từ nóng qua lạnh của cái máy lạnh là tôi sổ mũi hắt hơi liên tục. Còn bệnh đau bao tử của tôi là do một lần bị cảm, đi bác sĩ cho thuốc uống ba ngày, uống đến ngày thứ ba thì bị cứng bao tử, sau đó thì nó bị viêm bao tử mãn tính luôn. Sau này nhờ áp dụng phương pháp ăn uống dưỡng sinh gạo lức, tôi tự chữa được cho mình bệnh viêm mũi. Khi áp dụng cách ăn số 7 trong 1 tháng, nước mũi tôi chảy ra nhiều hơn, rồi đến một ngày tôi hỉ mũi ra 1 loại mũi dai dai như sợi miến và đêm đó tôi nằm mơ thấy có người kéo từ trong mũi tôi ra bao bì của 1 bịch kẹo, và tuyên bố tôi đã hết bệnh. Hôm sau tôi thấy nhẹ cả người, mũi rất thông thoáng, không còn chảy mũi nhiều nữa mà chỉ thi thoảng thôi. Cứ như vậy, tôi tiếp tục áp dụng cách ăn của thực dưỡng để giữ gìn sức khỏe. Khoảng hơn 4 năm tôi không bị cảm lần nào, bao tử cũng ổn định và không cần dùng tới thuốc. Trong công ty dù có người bị cảm ho, tôi ăn chung đồ ăn vẫn không bị lây. Kỷ lục chỉ bị phá sau chuyến đi về quê Thầy ở Vĩnh Long, do trước đó dùng ảnh hào quang chữa bệnh cảm cho 3 người, kèm theo tối đi học về bị nhiễm lạnh vì không mặc áo khoác, kèm theo bữa đó hăng quay phim trên xe, mà máy lạnh của xe cứ thổi vù vù vô đầu. Hậu quả là trưa hôm sau đến tối bắt đầu phát sốt, áp dụng Diện Chẩn đánh sáu vùng phản chiếu hệ bạch huyết, gạch mặt thì chỉ bớt chút đỉnh, người thì mệt nhừ nên đâu có còn bình tĩnh để đánh phác đồ giảm nhiệt. Thôi đành chịu cho qua cơn sốt, tối hôm đó phải nghỉ học 1 buổi. Mẹ cũng bị cảm sốt y như vậy, cuối cùng thì ho, sợ bị viêm phổi nên đành phải đi bác sĩ theo lời mẹ. Bác sĩ lại cho thuốc mạnh để diệt vi trùng vì tôi ho đến ngày thứ ba rồi, có lúc khạc ra máu, tôi lại bấm 16 – 61 bên trái để cẩm máu thì chút nữa khạc không thấy máu nữa, do đó tôi mới chịu uống thuốc. Đã mấy năm không đụng đến thuốc cảm, lại còn bị uống liều mạnh. Người tôi lâng lâng khó chịu, như chú sâu nhỏ bị trúng thuốc quằn quại vậy. Nói bác sĩ đổi thuốc khác, uống vào vẫn thấy khó chịu, uống đến ngày thứ 3 thì thấy hết sốt, người hết nhức, nên tôi ngưng uống. Lúc này tôi mới thấy tác dụng của sáu vùng phản chiếu hệ bạch huyết. Cứ lúc nào thấy mệt, đánh sáu vùng là thấy bớt mệt hẳn, có ngày tôi làm đến 5 – 6 lần. Sau khoảng 1 tuần thì thấy khi đánh răng, không còn bị chảy máu chân răng nữa, dù có đánh mạnh. Trong lúc bị bệnh, khi nhờ chị gái hơ sau lưng cho bớt ho, tôi phát hiện ra 1 điểm kế bên xương bả vai, khi hơ khí nóng chạy thẳng xuống cù trỏ, làm ấm bắp tay. Điều này được kiểm chứng lần nữa khi hơ ngải cứu cho chị Bé Ba trong giờ thực hành.

    Rồi cũng như bao bạn trẻ khác, sau khi tốt nghiệp đại học tôi bắt đầu đi tìm việc. Bắt đầu hòa nhập vào guồng quay của xã hội. Sau vài tháng vật lộn với mấy cái đơn xin việc, tôi tiếp tục học 2 năm về chuyên viên mỹ thuật đa phương tiện tại FPT ARENA, sau đó thì bắt đầu làm thiết kế website được 3 năm. Những ngày đầu làm việc còn thấy vui, nhưng từ từ tôi thấy thật tẻ nhạt. Ngồi suốt trước máy tính từ sáng 8 giờ cho đến 5 giờ 30 chiều mới nghỉ. Về đến nhà đã hơn 6 giờ, tắm rửa thay đồ rồi ăn tối lúc 8 giờ, sau đó coi tivi rồi làm việc lặt vặt đến 10 giờ thì chuẩn bị đi ngủ… cứ như vậy đều đặn từ ngày này qua ngày khác. Một ngày trôi rất nhanh, thoáng đã hết tuần, hết tháng. Công việc có lúc cũng rất vui, có lúc bực mình. Nhưng vui thì ít mà bực mình thì nhiều. Có lúc kể cho mẹ nghe sao con thấy mệt mỏi quá, tuy công việc không nặng nhọc còn được ngồi phòng máy lạnh nữa, nhưng sao người con lại mỏi mệt quá, có lúc ngủ nguyên ngày chủ nhật luôn mà vẫn thấy mỏi mệt. Cái mỏi nó như ở tận trong xương trong tủy vậy, đem chuyện này hỏi thằng bạn đã đi làm thì nó vừa nói vừa cười: “bây giờ mày mới biết hả?”. Có lúc mẹ nhắc lại tại sao không đi dạy học, vì tôi học khoa toán tin, cũng học khóa nghiệp vụ sư phạm ở trường đại học sư phạm kế bên, nhưng thấy mình chưa đủ chuẩn để đi dạy nên không đăng ký xét tuyển giáo viên. Sau này tôi thấy quyết định đó là đúng, tôi có đứa bạn học cùng khóa 2002, sau đi dạy toán cấp II được 1 thời gian rồi lại học tiếp thạc sĩ chuyên ngành đại số. Bây giờ thì nó đang làm tín dụng ngân hàng, đã có vợ và 1 con. Còn nguyên do tại sao nghỉ dạy học thì nó nói: “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”, chịu không nổi nên xin nghỉ. Các bạn khác cùng khóa tôi thấy cũng giống như vậy, có người đã làm trợ giảng cho thầy cô trong trường, rồi khi hỏi ra thì đang làm ngân hàng. Rất nhiều chuyện mà tôi có kể cả ngày cũng không hết. Chính vì vậy khi nghe bạn Vũ Văn Hội đọc bài cảm nhận, tôi thấy thông cảm vô cùng.

    Đến 3/2015 tôi chính thức nghỉ việc do công ty ngừng hoạt động vì không có khách hàng, đây là thời kỳ có rất nhiều công ty bị phá sản. Vậy là tôi phải đi tìm việc mới, rồi lại lập những ngày tháng giống như trước sao? Suy nghĩ mãi mà không tìm được câu trả lời. Cơ duyên đưa đẩy cho tôi gặp chú Kháng, một học trò của học trò Thầy Châu, chú đạo Công giáo và chuyên đi chữa từ thiện cho những người cần chú. Chú cùng hội phêrô với cô Tâm mà cô Tâm lại là bạn tập dưỡng sinh của mẹ tôi, do đó nói nhờ cơ duyên mới gặp cung không phải là sai. Thế là tôi đi theo phụ chú khoảng 2 tuần thì bắt đầu tìm đến 16 Ký Con, quận Phú Nhuận để mua dụng cụ cho dì tôi ở bên Đức. Dì coi youtube trên mạng thấy thích Diện Chẩn rồi nói tôi tìm mua dụng cụ gởi qua cho dì vì trên Amazon hay Ebay không thấy bán. Bắt gặp tờ giấy thông báo dán chỗ bán dụng cụ, tôi hỏi mẹ có nên học không, mẹ trả lời liền: “ờ thì cứ đăng ký đi, má cho mày tiền đóng học phí”. Nguyên do má đồng ý nhanh như vậy là do khi đi khám bảo hiểm tại bệnh viện có một cô cứ lấy cây gì đó lăn trên mặt, hỏi ra mới biết cô đi học Diện Chẩn của Thầy Châu. Vậy là tôi học lớp thực hành 2 tuần của Thầy Tâm, mặc dù muốn học Thầy Châu nhưng anh Minh nói chưa biết Thầy có mở lớp không nữa, phải đến tháng 7 mới biết được, chờ tới đó thì lâu quá. Sau khi học xong thì tôi về áp dụng Diện Chẩn để chữa mấy bệnh cảm mạo hay đau nhức lưng cho mẹ và mấy bạn thân của mẹ. Kết quả cũng rất là tốt, tôi được khen là mát tay. Cứ sáng hôm nay thì qua nhà cô Châu, chiều ngày mai thì đi phụ chú Kháng. Ròng rã mấy tháng như vậy. Có tháng tôi nhớ nhất là tháng đó là tháng thứ hai tôi phụ chú chữa cho cô minh bị tai biến liệt nữa người bên trái. Cô bị là do khi đi mổ hẹp ống cổ tay, lúc bước xuống bàn mổ thì huyết áp tự nhiên tăng cao làm té xỉu. Theo lời chú Kháng thì lúc chú tới thăm tay của cô co quắp lại, bắp chân trái bị teo cơ nhỏ hơn chân phải. Chú bấm huyệt, cào đầu, rồi hơ nhang cứu, rồi lấy cây lăn 3 trục lăn cánh tay, lăn bắp chân, chú cũng dùng bút châm cứu điện để tác động phần gân, làm tay giật giật trông rất là mắc cười. Chú làm như vậy đã được hơn sáu tháng. Khi tôi tới là đã thấy cánh tay và bàn tay mềm không co cứng nữa, chân trái cũng mập gần đều hai chân. Sau khi làm xong tất cả công việc thường làm, chú nói cô Minh co thử mấy ngón tay xem, cảm xúc thật hào hứng vì tôi thấy nó co lại có lực hơn nhiều, như vậy hai tháng qua không uổng công chú cháu tôi. Tính đến thời gian viết bài này thì cô minh đã đi lại 1 mình được rồi, mấy ngón chân bắt đầu nhúc nhích lại được. Một khoảng thời gian thật dài cho bệnh tai biến.

    Còn một trường hợp nữa là chị Phượng, cũng ở gần nhà cô Minh, ở gần nhà chú Kháng. Chị lúc đó bị thần kinh tọa do ngồi may lâu quá, uống thuốc tây không hết lại đi bấm huyệt, châm cứu, nghe chỗ nào chữa bệnh hay là tìm đến, lần cuối châm cứu ông Thầy châm cứu có chích cho chị 1 mũi thuốc vào bắp đùi và gọi là thủy châm. Sau bữa đó chị bị áp xe, sưng tấy, làm mủ, rồi qua lao xương, đau quá nên cũng không đi được làm teo cơ, ăn không được làm gầy trơ xương. Khi tôi đển gặp chị, chị đã đỡ được 50% rồi. Chị nói nhờ chú Kháng bấm huyệt, hơ cứu mà chị bớt đau nhiều lắm, rồi cũng phải uống thuốc kháng sinh để diệt vi trùng lao nữa, nhưng thuốc này nó phá hủy cả hồng cầu nên làm đau nhức tận sâu trong xương. Nhờ phương pháp của Diện Chẩn mà chị qua được cơn nguy kịch. Chị kể lúc trước bị vết thương nó hành đau đớn đến nỗi tối không ngủ được, rên khóc suốt đêm, hàng xóm cứ bào “con bé này chỉ chờ ngày chết mà thôi”, may sao được người trong trong hội giới thiệu chú Kháng, ngay ngày đầu chị đã giảm đau và ngủ được chút ít rồi. Lúc đầu đánh dầu cột sống, tôi thấy xương chị lộ ra rất là rõ, cơ địa của chị cũng rất kỳ lạ. nếu lấy vật có hình gì ấn vào thì chút nữa da nó nổi hình đó lên đỏ lòm, có lúc như nổi mề đay. Chú Kháng cũng nói ban đầu chú cũng thấy sợ, nhưng làm riết chú thấy quen và hình như nó có giảm bớt. Trong tháng thứ 2 này tôi thấy chị bắt dầu mập lên, cột sống bắt đầu đầy thịt trở lại, chị vui hơn trước rất nhiều. Ít hôm sau chỗ vết thương cũ lại sưng tấy, đi khám bác sĩ nói nó thường tái đi tái lại 2 – 3 lần. Sau đó bác sĩ rạch 1 đường rồi nhét cam-rết vô để hút mủ. Hằng ngày phải thay băng, mỗi lần như vậy y tá phải lấy cái cũ ra, rồi lấy bông gòn đưa vào ngoáy bên trong để thấm hết mủ, rồi lại nhét cam-rết vào cho đầy, mai lại làm tiếp. Cứ như vậy đến 1 tuần mới may vết thương lại, chị nói mỗi lần như vậy đau đến té đái luôn. Còn tính đến lúc tôi viết bài này chị đã hết bệnh, bác sĩ không cho uống kháng sinh nữa, cũng không thấy cột sống nhô ra của chị nữa, chị mập ra, rất hay cười, chị bắt đầu kết cườm áo Bà (cái áo choàng mà ta thấy trên tượng của Bà ở núi Châu Đốc) để kiếm ít tiền trang trải chi phí trong nhà. Chị tròn đến nỗi chú cháu tôi hay nói đùa là có thể đi thi hoa hậu được rồi. Chỉ có khi đi còn chân thấp chân cao, vì đã lâu không đi nên khớp háng bị ép lại khiến cho phần sụn đầu xương đùi bị mất. Nhưng như vậy tôi cũng rất vui khi thấy được chị từ lúc đau bệnh ủ dột chuyển sang lúc khỏe mạnh yêu đời. Cuộc đời của 1 con người ngẫm thật nhiều biến cố, khi ta đau khổ, khi ta hạnh phúc ta đã học được gì? Tôi chỉ thấy tình thương, sự bé nhỏ của mình trước vũ trụ mênh mông sâu thẳm. Tôi lại nhớ đến Thầy dạy toán cấp III của tôi hay đọc câu thơ tự chế mỗi lúc làm bài tập giải phương trình: “Cuộc đời như một phương trình, bao nhiêu ẩn số bực mình bấy nhiêu”, thật thấm thía đời người. Cả tháng đó tôi được cười nói rất nhiều, có lúc bị mệt tôi cũng ráng đi, chữa bệnh cho người ta một lúc là lại thấy mình khỏe lại, thật rất kỳ lạ. Trong niềm vui khôn tả, tôi nhớ lại trước đó xem trên youtube bài “Kỹ năng sống số 53: hướng nghiệp”, có vẽ một cái cây để hình tượng hóa đời sống của một con người. Bộ rễ của cây là đời sống tinh thần, gốc cây là thái độ, thân cây là suy nghĩ và cảm xúc, cành và lá là hành động, và trái là kết quả. Bỗng dưng tôi thấy một chút ánh sáng về con đường mà tôi sẽ đi sắp tới.

    Chú Kháng là dân Nam bộ chính gốc, hồi nhỏ cũng từng đói khổ, từng đi lính cộng hòa, cũng từng cầm súng… chú đã 68 tuổi nhưng thịt rất chắc, ngón tay to, thô, cứng, mạnh, nên việc dán mấy miếng salonpas nhỏ xíu xiu trên mặt là điều bất khả thi đối với chú. Chú biết rất nhiều chuyện đời nên khi theo chú chữa bệnh tôi và cả người bệnh đều được đãi cười đến no bụng, có lúc lại là chính kinh nghiệm sống của chú. Có lần chú kể lúc đi lính thì thường sẽ phải lấy máu hằng tháng 1 lần, hôm nào không muốn thì uống 1 chai coca-cola vô tự nhiên khi lấy máu, thì máu có rất nhiều bọt nên y tá không thể lấy máu. Hoặc lần chú vừa học xong học trò của Thầy Châu, chú chữa cho 1 người bị thoát vị đĩa đệm, bác sĩ đã chỉ định mổ. Sau khi hơ cứu, gõ búa, chú thấy cột sống có chỗ lồi ra, dùng sức chú lấy tay ấn cho nó chui vô, vậy mà qua bữa sau khi đang ăn đám cưới, chú đó gọi báo là đã hết đau luôn rồi. Nghe kể mà tôi với chị Phượng tròn xoe mắt vừa cười vừa ngạc nhiên nói: “sao chú gan quá vậy, lỡ cột sống nó bị gì thì sao”, “thì chú cũng đâu có biết, phước chủ may Thầy mà”. Hỏi tại sao chú theo nghề này, thì chú nói trước đây chú cũng bệnh nhiều lắm, mất ngủ cả tháng trời, ốm o gầy mòn, sau đó tìm được loại thuốc ngủ không làm người bị mệt khi uống, chú hết mất ngủ, và khổ nhất là bị đau thắt lưng, đã uống thuốc 1 thời gian rồi mà không hết, châm cứu bấm huyệt cũng không hết.

    Trong một lần chơi chim hỏi thăm anh bạn, chú đó nói vợ chú có cách chữa bệnh hay lắm hỏi chú Kháng có muốn học không. Sau vài lần cô đó chữa thì giảm đau, cô nói “em thì bây giờ cũng không còn sức để ấn huyệt nữa, anh học đi em tặng anh sách và đồ nghề để anh làm cho người ta”. Như tôn chỉ của Diện Chẩn: “Biến bệnh nhân thành Thầy thuốc”. Vậy là chú chữa bệnh từ đó tới giờ, chú nói từ lúc đi chữa bệnh thì chú thấy rất vui vì giúp được cho mọi người. Chú nhớ lại lúc bị đau chú có đứng trước tượng Đức mẹ khấn cho chú hết bệnh để sau này chú sẽ làm việc cho Chúa, cho Đức mẹ, đúng là cầu được ước thấy. Còn cái nữa là chú nói, lúc chưa chữa bệnh thì trong bóp có ít tiền lắm, từ ngày đi chữa bệnh trong bóp chú có nhiều tiền hơn lúc nào cũng 1 – 2 triệu. Chú Kháng chữa miễn phí, tự lấy tiền túi ra mua nhang, dầu… nên nhiều khi bệnh nhân họ ngại, họ nhét tiền vô túi để cảm ơn chú, còn phần nhiều là con cái chú cho.

    30 năm đã gọi là nửa đời người. Tôi có dịp gặp anh Khôi làm phiên dịch tiếng anh cho 1 công ty nhật cũng có tiếng tăm, sau nhiều năm anh tập thiền theo môn võ Akido, chợt một ngày anh nhận ra công việc của cuộc đời mình là đi dạy thiền. Gặp nhau tại quán café cùng với anh Chương, người từng đoạt giải hùng biện bằng tiếng Anh tại nhà Văn hóa Thanh Niên. Anh Chương cũng là 1 người khác thường, anh kể rằng sau lần mém chết vì thiếu oxy trong khi leo núi lên chùa Đồng, bỗng nhiên anh nghe thấy rún mình rung động một cách lạ thường, sau ngày đó anh chỉ còn mục tiêu là làm sao cho dân tộc Việt Nam được giàu có. Và thế là anh bắt đầu mở lớp dạy tiếng Anh giao tiếp, dạy kỹ năng mềm. Anh lý luận rằng đất nước muốn giàu thì phải dựa vào các doanh nhân thành đạt, mà muốn thành đạt thì phải có kỹ năng, chính vì vậy mà các khóa học ra đời. Anh gặp anh Khôi để đưa thiền vào giảng dạy cho các bạn trẻ, tuy nhiên anh Khôi thấy hơi thất vọng vì buổi đầu tiếp xúc thấy các bạn trẻ không hào hứng cho lắm. Khi chia tay anh Khôi bắt tay tôi rất lâu như cố ý để truyền năng lượng vậy, anh khuyên tôi nên tập thiền theo như tài liệu mà anh gởi cho tôi để được khỏe mạnh, sáng suốt, anh còn bật mí cho tôi cách mà anh hay sử dụng để phiên dịch những từ khó. Đó là nghe 1 cách chú tâm và hình dung tất cả thông tin thành một bức tranh rồi nhìn bức tranh đó mà nói lại, đó chính là bí quyết giúp anh thành đạt như ngày nay.

    Chính cuộc gặp trên đã gợi cho tôi nhiều trăn trở. Nhiều buổi sáng sớm, khi đứng trên sân thượng lầu 3, tôi ngắm nhìn dòng xe với những con người đang hối hả phía dưới. Tôi tự hỏi: “bây giờ họ đang nghĩ về điều gì nhiều nhất, họ đang lo lắng hay đang vui, cuộc đời của họ đã trải qua như thế nào…” để rồi phải khiến cho nét mặt mỗi người khác nhau. Những tháng ngày thất nghiệp, tôi chìm đắm trong suy tư, lần theo các trang sách, thâm nhập các phương pháp thiền, để đi tìm triết lý sống cho riêng mình… để trả lời cho câu hỏi từ năm tôi 12 tuổi đến giờ: “tôi sinh ra để làm việc gì cho đời sống này?” vì có lúc tôi thấy mình thật vô dụng, làm cái gì cũng nửa chừng, không khôn ngoan như các bạn tôi trong trường đời. Nhiều lúc mình hiền quá, chân thật quá thì lại bị ăn hiếp, bị lợi dụng. Nên tôi ráng tạo cho mình một vỏ cứng như con rùa che thân, hay cố tình mọc gai để tự vệ như nhím. Một đời sồng không thật, làm con tim tôi ngạt thở. Tôi khao khát được ôm, một cái ôm tình người, để cho niềm tin tôi được sống vì thấy được tình thương giữa con người với con người. Thưa Thầy khi được ôm Thầy con thấy rất hạnh phúc, con thấy bớt sợ hãi trước dòng đời trôi lăn, vì con thấy được tình thương rộng lớn của Thầy. Con xin cám ơn Thầy, nhờ nhận được cái vô úy từ Thầy mà con giám viết bài này.

    Con thấy tính tình, nhân cách của một con người giống như viên kẹo nhỏ, được bao gói bên ngoài bằng lớp vỏ nhựa chống thấm nước, kèm theo những dòng chú thích về thành phần viên kẹo. Bên ngoài mà in hình trái dâu thì nếm chắc chắn là vị dâu chứ không thể là vị ổi hay vị bạc hà được. Vì còn đau bao tử nên không ăn được bạc hà, nếu có gặp kẹo bạc hà thì con không đụng đến. Con cũng biết câu “nhân chi sơ, tính bổn thiện” trong tam tự kinh, nhưng thấy sát nghĩa hơn nếu đổi thành “nhân chi sơn, tính bản địa”. Người ở vùng nào thì tính tình đặc trưng cho vùng đó, cũng như núi vùng nào thì có các loài cây và động vật đặc trưng cho vùng đó. Cũng do vậy mà mẹ của Tôn tử người viết ra cuốn binh pháp đầu tiên, phải rời nhà đến 3 lần để tìm một chốn cho con mình nên người.

    Đối con thì thay đổi được quan điểm sống của người bệnh còn quan trọng hơn là mình chữa hết bệnh cho họ, mà điều này thì không dễ nhưng không phải khó đến nỗi không làm được. Lần đầu tìm được sinh huyệt, hay thấy người bệnh được khỏe là những lúc con vui nhất, thấy mình sống thật có ý nghĩa, con như thấy được mấy tia sáng đang le lói cuối đường hầm tăm tối cho công việc của cuộc đời, chì cần thêm vài bước, là sẽ thấy bầu trời.

    Em cũng cám ơn chị Lan Anh nhiều lắm, nhờ có cái ôm của chị ở buổi tiệc sinh nhật Thầy mà tối hôm đó khi về trong đầu em từ ngữ như nhảy múa, chị đã truyền cảm hứng cho em viết bài này, tuy nó còn hơi vụng, còn hơi non, hơi không bình thường, nhưng đều là lời thật từ đáy lòng. Thú nhận với chị là lúc đầu em thấy chị hơi kiêu kỳ, khó gần, nhưng được nghe chị kể về cuộc đời, được chị ôm thân tình, em mới hiểu tại sao, chị lại “khùng” hay “dở hơi” với Diện Chẩn.

    Con chúc Thầy, chị Lan Anh cùng mọi người sẽ luôn được yêu thương, luôn được hạnh phúc, và thấy được Diện Chẩn trở thành 1 phương pháp mà nhà nhà, người người đều biết, đều sử dụng để kiến tạo, giữ gìn sức khỏe, để bệnh viện được giảm tải, để người nghèo không còn lo lắng về tiền thuốc hằng tháng nữa.

    Đọc trong kinh tôi thấy Phật dạy: “Người nào biết ơn và đền ơn, dù có cách xa ta ngàn dặm vẫn như có ta bên cạnh. Người không biết ơn và đền ơn, dù đứng hầu bên cạnh ta vẫn như cách xa ta ngàn dặm”, hay tinh thần của tiên sinh Georges Ohsawa “Ăn một hạt, trả ngàn hạt” như vậy mới không thiếu nợ trần gian. Vì vậy tôi xin mượn vài câu trong bài hát “Tạ ơn” của thiền sư Vô Trụ để bộc bạch đáy lòng về nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan tôi đã chiêm nghiệm bao năm mà bây giờ mới giám bật mí:

    “Xin tạ ơn những gì đang có.

    Xin tạ ơn Phật tổ oai linh.

    Xin tạ ơn chư vị thánh hiền.

    Xin tạ ơn Đất Trời sông núi.

    Xin tạ ơn vũ trụ mênh mông.

    Xin đa tạ, xin trọng ơn tất cả,

    Đã cho tôi hương vị cuộc đời,

    Đã cho tôi vị ngọt trần gian,

    Đã cho tôi niềm đau nhân thế,

    Đã cho tôi trí huệ tuyệt vời.”

    Tới đây bạn có còn thắc cái tiêu đề của tôi muốn nói gì không? Thêm một bí mật nữa mà tôi sẽ bật mí cho bạn, đó là khi đảo hai chữ cuối lại ta có 1 câu với nghĩa hoàn toàn khác: “Những cái ôm của người tình”. Bạn có thấy tiếng Việt mình vừa hay vừa phong phú không nào?

    (0 Đánh giá)
    Đánh giá
    GSTSKH Bùi Quốc Châu

    GSTSKH Bùi Quốc Châu

    GSTSKH Bùi Quốc Châu nhà phát minh Diện Chẩn – Điều Khiển Liệu Pháp (Huyệt, đồ hình và dụng cụ hoàn toàn mới, không mang tính kế thừa), Âm Dương khí công (tạo được hiệu quả Âm (mát...) và Dương (nóng....) tách biệt, hoàn toàn khác với tất cả những môn khí công trên thế giới)... Tạo nên 1 trường phái y học mới với những định hướng từ 1980 như đề cao tính dân tộc Việt, tình yêu thương, sự đơn giản để mọi người có thể tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe bản thân và gia đình theo hướng chủ động, tự nhiên....
    SHOP DIỆN CHẨN
    Zalo
    Hotline
    DMCA.com Protection Status