LIỆU PHÁP TÁC ĐỘNG VÀO TÁM VÙNG TRÊN MẶT (TÁM VÙNG SINH MỆNH)
I – LỊCH SỬ RA ĐỜI:
Năm 2006, Thầy Bùi Minh Tâm cùng cha mình (Thầy GS.TSKH. Bùi Quốc Châu) đi dạy Diện Chẩn ở Tây Ban Nha ở nhà của học trò tên là Patryck, thời gian đó Thầy Bùi Quốc Châu tìm ra và dạy “6 vùng Phản chiếu hệ Bạch huyết trên mặt”, thật ra lúc đó là 8 vùng bao gồm vùng gờ lông mày và 1 vùng nữa, nhưng do thực tế ứng dụng khi làm vùng gờ mày có trường hợp bị hạ huyết áp nên về sau bỏ đi.
Thầy Bùi Minh Tâm
Thầy Tâm cảm thấy “6 vùng Phản chiếu” của Thầy Châu quá hay vì chỉ cần làm 6 vùng đơn giản mà tác động nhiều bệnh như vậy, và Thầy Tâm bắt đầu suy nghĩ xem có thể học hỏi Thầy Châu để tìm ra cái gì hay hay tiếp theo không.
Vài tháng sau, khi về Việt Nam, trong quá trình chữa bệnh cho bệnh nhân, Thầy Tâm nhớ lại toàn bộ thời gian làm việc trước đó (từ năm 2000 đến năm 2006) và tổng kết được rằng:
Hễ bệnh nhân ở trạng thái bị bệnh nặng, mạn tính, suy nhược … là có biểu hiện ra bên ngoài thành các vùng màu sắc khác thường (sạm đen, xanh, tối, đen,…) tập trung ở một số vùng nhất định trên mặt, những vùng biểu hiện: giữa 2 đầu lông mày, viền bọng mắt, viền cánh mũi, xung quanh môi, môi trên, môi dưới, lỗ tai
Từ đó Thầy Tâm suy ra, những vùng đó phải chăng là vùng trọng yếu của cơ thể, và theo Diện Chẩn (Luật biểu hiện), chỗ báo hiệu bệnh chính là chỗ chữa bệnh, như vậy ta tác động vào những vùng đó chính là quay ngược lại tiến trình bệnh tức là lành bệnh hoặc để phòng bệnh, bất kể loại bệnh gì… (tất nhiên là Tương đối)
Sau đó, Thầy Tâm đối chiếu lại 6 vùng Phản chiếu hệ bạch huyết của Thầy Châu nhận thấy trùng gần hết các vùng chỉ còn vùng bọng mắt và môi trên chưa có. Thầy Tâm đã báo cáo với Thầy Châu về phát hiện này (dưới góc độ khác, không phải đi từ phản chiếu hệ bạch huyết mà tìm ra 8 vùng biểu hiện của bệnh trong đó có 6 vùng trùng với 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết mà Thầy Châu đã khám phá ra trước đó) và Thầy Châu cũng đã chỉ đạo cho Thầy Tâm tiếp tục nghiên cứu, thực nghiệm và báo cáo thêm nhiều kết quả. Từ đó 8 vùng “phản chiếu” ra đời (lấy theo tên 6 vùng phản chiếu cho học viên dễ nhớ), sau này có các tên như là “8 vùng bất thường”, “Thiên Long Bát Bộ“, hoặc nay là “8 vùng sinh mệnh”.
Đến nay 8 vùng được phát hiện là có hiệu quả tương tự 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết (vì trùng 6 vùng) nhưng thêm hiệu quả của 2 vùng môi trên và bọng mắt (phản chiếu tử cung, dịch hoàn, buồng trứng, ống dẫn tinh… theo đồ hình phản chiếu do Thầy Châu phát minh ra) nên có tác dụng mạnh thêm về vấn đề liên quan nội tiết, sinh dục, sinh nở, buồng trứng, ngực (vú), tử cung, tiểu đường, đường ruột, và tăng cường hệ miễn dịch, trúng thực, giải độc, tăng tiết dịch phụ nữ, liên quan não bộ như tai biến, xuất huyết, nhồi máu, thông khí phổi, v.v…
II – CÁCH TÁC ĐỘNG VÀO 8 VÙNG:
Những vùng da có biểu hiện bất thường tập trung ở những vị trí (*) như sau:
1) Đầu chân mày đến khoé mắt
2) Sống mũi
3) Viền cánh mũi
4) Đường pháp lệnh
5) Vùng bờ cong ụ cằm
6) Xung quanh mang tai
7) Viền dưới xương hốc mắt (bọng mắt)
8) Phía trên bờ môi, vùng ria mép
(*) việc đặt số chỉ nhằm chỉ dẫn vị trí vùng cần tác động, không phải mang tính thứ tự.
Lưu ý: vùng môi trên có thể gạch qua lại nếu bệnh nhân huyết áp thấp, nếu bình thường hoặc huyết áp cao thì gạch 2 bên chừa nhân trung ra không gạch vì đi ngang huyệt 63 có thể làm tăng huyết áp, nên vì lý do an toàn ta thường gạch 2 bên. Còn sống mũi gạch từ huyệt 189 xuống (đường gạch liền) còn đoạn chấm chấm từ huyệt 26 đến số 8 không làm cũng vì lý do an toàn (sẽ làm hạ huyết áp).
NHỮNG PHƯƠNG THỨC CÓ THỂ TÁC ĐỘNG:
Phương tiện:
Dùng bất cứ phương tiện gì miễn là có đủ lực tác động vào vùng cần tác động mà không gây trầy hoặc tổn thương da.
Ví dụ: Đầu ngón tay, khớp ngón tay (ngón tay gập lại, tác động bằng phần nhô bên ngoài của khớp, đầu đũa, đuôi cây bút chì, v.v… hoặc dùng dụng cụ chuyên dùng của Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp (Que dò huyệt, cây sao chổi, cây cào nhỏ (cào mini), cây ủi hình con cá, cây búa nhỏ …).
Thủ pháp: áp dụng các thủ pháp trong phương pháp Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp của GSTSKH Bùi Quốc Châu, như là:
1/ Vuốt, chà xát:
– Dùng đầu ngón tay (mạnh nhất là đầu ngón trỏ, ngón cái) hoặc khớp ngón tay vuốt/chà xát lên lần lượt từng vùng có biểu hiện bất thường ở trên mặt người bệnh (8 vùng).
– Có thể dùng dụng cụ cây con cá của Diện Chẩn (có đầu giống như ngón tay cái) để ủi để tránh bị trầy xướt da và đỡ tốn sức.
2/ Gạch/Vạch
– Dùng đầu que dò huyệt hoặc cây sao chổi hoặc đầu tròn của các dụng cụ sinh hoạt gia đình (đũa, bút chì, muỗng…) gạch/vạch với lực vừa phải (không quá mạnh, không quá nhẹ) lần lượt tại các vùng có biểu hiện bất thường trên bề mặt người bệnh.
– Hướng gạch/vạch vuông góc bề mặt da (góc độ có lực tác động mạnh nhất) hoặc có thể tác động theo góc xiên.
3/ Gõ:
– Dùng cây búa nhỏ (búa hai đầu hoặc búa gôm Diện Chẩn) gõ nhẹ lần lượt vào các vùng có biểu hiện bất thường ở trên mặt người bệnh.
– Vị trí nào tại vùng đó báo đau (thốn từ bên trong) thì gõ thêm ở vị trí đó.
Tuy nhiên, thủ pháp này tương đối mất thời gian và dễ gây mỏi tay.
4/ Hơ ngải cứu:
– Dùng điếu ngải cứu hơ nóng tại vùng có biểu hiệu bất thường ở trên mặt người bệnh
– Do nhiệt lượng của ngải cứu rất cao, để tránh bị phỏng cần hơ cách bề mặt da từ 1 – 2 cm
– Tại vùng mắt cần cẩn thận tránh để khói và tàn của ngải cứu ảnh hưởng đến mắt, có thể sử dụng ngải cứu chạy điện (không có khói)
5/ Lăn:
Dùng cây lăn nhỏ trong phương pháp Diện Chẩn (lăn đinh hoặc lăn cầu gai tuỳ vào chứng bệnh Âm hay Dương), lăn đều tại các vùng có biểu hiệu bất thường ở trên mặt người bệnh
6/ Thoa dầu hoặc dán cao:
– Thoa dầu: Dùng dầu nóng (tốt nhất là dầu cù là) thoa lên các vùng có biểu hiện bất thường ở trên mặt người bệnh, nếu có thời gian cần kết hợp với thủ pháp vuốt/chà xát hoặc gạch, lăn để có hiệu quả tác động sâu nhất.
– Dán cao: Cắt cao dán thành từng miếng nhỏ, hình vuông (cỡ 4 mm2). Dán theo đường của vùng có biểu hiện bất thường (dán nối tiếp tạo thành đường). Để thẩm mỹ, có thể dán với đầu nhọn hướng lên trên. Đây được coi là thủ pháp tiết kiệm thời gian nhất. Có thể dán trước khi đi ngủ và để qua đêm (tối dán sáng gỡ).
LƯU Ý CHUNG:
– Mỗi vùng tác động trung bình khoảng 30 lần, vùng nào đau nhiều thì tác động nhiều hơn.
– Tác động theo hướng tuỳ ý, nhưng thuận lợi nhất là từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Riêng vùng ụ cằm thì tác động qua lại. Những vùng có độ cong (như ổ xương mắt, viền cánh mũi) cần nương theo độ cong của vùng đó mà tác động.
– Nếu có thời gian thì sau khi tác động hết một lượt (8 vùng), nên thực hiện thêm 2 lượt nữa, trong đó nghỉ một khoảng thời gian 2 – 3 phút giữa mỗi lượt, để hiệu quả tác động được tốt hơn.
– Để phòng bệnh, tăng cường sức khoẻ: thực hiện 01 lần/ngày. Để điều trị bệnh: thực hiện 03 lần/ngày.
– Không thực hiện cho bệnh nhân có thai dưới 3 tháng.
MỘT SỐ CHỨNG BỆNH CÓ HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ TỐT:
(Vì trùng 6 vùng nên về cơ bản sẽ cho tác dụng tương tự như làm 6 đường phản chiếu Hệ Bạch Huyết của Thầy Bùi Quốc Châu)
1/ Những bệnh tâm thần – thần kinh:
- Buồn ngủ do mệt mỏi – Kém sức khoẻ, kém năng động
- Chóng mặt không rõ nguyên do
- Đau nửa đầu – Liệt mặt
- Mất ngủ – Say ngủ (cần làm tỉnh táo)
- Phong xù (kinh phong)
- Rối loạn tiền đình (hay chóng mặt, xây xẩm)
- Say xe, tàu (chống nôn ói khi đi tàu xe)
2/ Nhóm bệnh Tim mạch, gan, thận:
- Huyết áp cao – Mệt tim
- Viêm gan – Nóng gan, nổi mề đay
- Bí tiểu, tiểu ít
3/ Nhóm bệnh Tiêu hóa, Hô hấp:
- Biếng ăn
- Suyễn – Ho khan (do ngứa cổ)
- Viêm xoang – Viêm họng hạt – Vướng đàm, nghẹt đàm
- Viêm họng – Khan tiếng
4/ Nhóm bệnh xương khớp, cơ bắp vận động:
- Bệnh Gouttes (Thống phong)
- Cơ bắp nhão, xệ – Dịch hoàn nhão, xệ
- Đau lưng, đau cột sống – Đau khớp ngón tay
- Nhũ hoa nhão, xệ
- Nứt chân (ở bàn tay, gót chân)
- Chỗ sưng bầm, sưng phù – Phù chân
- Tăng tiết dịch các khớp
5/ Những bệnh Bài tiết, sinh lý, nhiễm trùng:
- Bệnh lupus ban đỏ
- Bí tiểu, tiểu ít – Viêm đường tiết niệu – Tiểu nhiều
- Đau bụng kinh/Đau bụng đi cầu, tiêu chảy (kiết lỵ)
- Hôi nách
- Kinh nguyệt không đều
- Suy nhược sinh dục (yếu sinh lý)
- Nhiễm trùng có mủ
- Giải độc
- Táo bón , Trĩ, lòi dom
- Thai yếu (Chỉ dùng cho thai trên 5 tháng tuổi)
- Tia máu đỏ trong mắt
- Viêm đại tràng mãn tính, phân lỏng, nát.
6/ Những bệnh ngoài da:
- Ngứa – Dị ứng, nổi mề đay
- Vẩy nến.
7/ Các bệnh chứng linh tinh
- Đại tiểu tiện hôi thối hơn bình thường.
- Nằm ngủ mơ thấy ác mộng
- Nghiện thuốc lá
Hiệu quả đặc biệt:
Vì có thêm 2 vùng: môi trên và bọng mắt (phản chiếu tử cung, dịch hoàn, buồng trứng, ống dẫn tinh… theo đồ hình phản chiếu do Thầy Châu phát minh ra) nên có tác dụng mạnh thêm về vấn đề liên quan nội tiết, sinh dục, sinh nở, buồng trứng, ngực (vú), tử cung, tiểu đường, đường ruột, và tăng cường hệ miễn dịch, trúng thực, giải độc, tăng tiết dịch phụ nữ, liên quan não bộ như tai biến, xuất huyết, nhồi máu, thông khí phổi, v.v…
Như vậy, tác động theo 8 vùng nêu trên sẽ có tính chất tổng quát, giúp bồi bổ khí huyết cho cơ thể đang bệnh,
Trước khi làm các phác đồ Diện Chẩn, nếu làm 8 vùng trước thì có thể giảm bớt được số lượng huyệt và phác đồ dự định dùng vì cơ thể đã “tự điều chỉnh” được một phần.
Kết quả sau khi dùng phác đồ có khả năng KÉO DÀI và BỀN hơn, chứng bệnh có thể lâu tái lại./.