Huyền công và chữa bệnh bằng hệ thống số huyệt Diện Chẩn
Đăng bởi: Diện ChẩnNgày đăng: Trong: Giáo trình Diện Chẩn, Huyền công
*GSTSKH. Bùi Quốc Châu
Ảnh: Thầy dùng Phách công ( vun bàn tay) trị nhức đầu cho một học viên tại lớp K.139/2016
Trước hết, Huyền công là một kỹ thuật chữa bệnh cao cấp trong Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp do tôi (GSTSKH Bùi Quốc Châu) sáng tạo và phát triển, bao gồm các công phu không dùng cách lý luận thông thường theo y học để giải thích được, mà nó chỉ được chứng nghiệm một cách trực tiếp từ người chữa đến bệnh nhân do tác động từ Năng lực của ý niệm từ người chữa, đặc biệt là về Âm dương khí công và Thể dục tự ý mới có thể đạt được những kết quả tốt khi vận dụng các kỹ thuật cao cấp này.
Đối với bệnh nhân và đối với một số bệnh thì có thể chịu loại Huyền công này nhưng lại không có đáp ứng (hạp) với huyền công khác. Vì vậy trong trường hợp không đạt hiệu quả như mong muốn thì cần phải xem xét hai yếu tố sau đây:
- Về phía người chữa: Có thể có hạn chế nào đó trong việc phóng công (mệt mỏi, có sự lo lắng suy nghĩ – tức giận hay không quan tâm đến bệnh nhân) hay trình độ luyện tập Âm dương khí công chưa đạt tới mức đủ năng lượng chữa bệnh (do không tập Âm Dương Khí Công hoặc có nhưng không tập luyện thường xuyên và đúng chỉ dẫn theo phương pháp Diện Chẩn)
- Về phía bệnh nhân: Cơ thể bệnh nhân không thích nghi với loại Huyền công này.
Giới thiệu môt số loại Huyền công
- Niệm công: Là cách chữa bệnh bằng cách đọc (đọc to thành tiếng hay đọc thầm) tên của Huyệt (là các con số được đặt theo thứ tự trong phương pháp Diện Chẩn) liên hệ đến bộ phận, vùng cơ quan cần điều trị. Yêu cầu: đọc đúng các Huyệt/ Bộ huyệt liên hệ đến bệnh cần chữa và tâm ý phải luôn hướng về bệnh nhân.
- Ảnh công: là cách chữa bệnh qua việc tác động bằng nhiều hình thức khác nhau trên hình ảnh (hình cơ thể học, đồ hình – huyệt đạo của Diện Chẩn, hình chụp X-quang v.v…). Một số cách thức tiêu biểu: tô màu, ấn huyệt trên hình, chữa bệnh thông qua ảnh chụp bằng điện thoại, máy chụp ảnh…
- Phóng công: Đây là một kỹ thuật cao cấp đòi hỏi người sử dụng phải có một sức mạnh nội tâm và điển lực sung mãn. Người chữa bệnh ngồi trước mặt bệnh nhân, dùng năm ngón tay búng vào chỗ đau của bệnh nhân một vài lần.
- Chỉ công: kỹ thuật tương tự phóng công nhưng chỉ dùng một ngón tay (thường dùng ngón trỏ) chỉ vào chỗ đau (hay sinh huyệt) của bệnh nhân. Khi đó điển lực từ người chữa bệnh sẽ tác động giống như khi sử dụng Dụng cụ Diện Chẩn nhưng với một năng lực mạnh mẽ.
- Đàn chỉ thần công: Dùng ngón tay trỏ và ngón cái để búng (cách vài cm) vào bộ phận có bệnh của bệnh nhân. Tác động mạnh và nhanh.
- Ý công: Là cách điều trị bằng tư tưởng, sự suy nghĩ của người chữa tập trung vào bệnh nhân hoặc vùng đau của họ để hình thành một luồng điển lực tác động lên đó. Kỹ thuật này không phụ thuộc vào vị trí không gian, có thể chữa bệnh từ xa. Bệnh nhân có thể liên lạc qua điện thoại, email để hẹn giờ chữa bệnh.
- Ngôn công: Là cách dùng lời nói – Người chữa bệnh chỉ cần hỏi thăm về căn bệnh và yêu cầu bệnh nhân xem lại tình trạng bệnh của mình. Chính lời nói với sự quan tâm sẽ kết hợp với tư tưởng
- Thủy công: Là dùng nước sạch để chữa bệnh. Người chữa bệnh nhìn vào ly nước và nói lên yêu cầu muốn được chữa bệnh của mình với nước (vì nước có trí nhớ và thông minh). Sau đó bệnh nhân uống nước đó. Theo kinh nghiệm thì bệnh gì liên quan đến nước (VD: tiêu chảy, tiểu đêm) và máu trong cơ thể (VD: huyết áp, mỡ trong máu, máu đặc) thì có thể hạp với cách chữa này.
- Nhãn công: Là cách chữa bệnh bằng ánh mắt. Người chữa bệnh tập trung tư tưởng nhìn vào bệnh nhân hay vùng đau trên bệnh nhân, qua đó dùng ý lực để tác động giống như chiếu một tia lazer lên bệnh nhân để kích thích năng lực của bệnh nhân.
- Khoán công: Người chữa bệnh ngồi đối diện với bệnh nhân, dùng ngón tay trỏ viết chữ trên bộ phận đang đau hoặc đang bị bệnh. VD: cánh tay đau thì viết chữ “Hết đau cánh tay” viết chữ trực tiếp lên cánh tay đang bị đau. Đây là khoán hữu hình, còn khoán vô hình là dùng ý nghĩ viết chữ mình muốn lên bộ phận đang bị đau.
- Từ công: Là cách điều trị bằng cách viết ra một dòng chữ trên giấy, đưa ra ý muốn của bệnh nhân muốn lành bệnh hay mong muốn chữa trị cho một bộ phận nào đó trên cơ thể. Có thể viết bằng bất cứ tiếng nào (Tiếng Việt hay tiếng nước ngoài)
Ví dụ: Để trị cơn mệt lả, có thể viết bằng Tiếng Việt “huyệt số 0 bên trái” hay tiếng Anh là “zero (0) on the left”. Rồi đồ lại khoảng 30 lần chữ đó. Hoặc đau vai, ta có thể viết chữ “Hết đau vai” và đồ lại chữ đó 30 lần.
Lưu ý: Tâm của ta phải luôn nghĩ về nơi bộ phận đang đau thì mới đạt hiệu quả cao hơn là lúc đó lại nghĩ về chuyện khác (sự tập trung).
Ta cũng có thể sử dụng Thư pháp để điều trị. Có hai loại: thư pháp chữ Việt như cách viết bình thường và thư pháp tiếng Hán hoặc tiếng Việt viết cách điệu, bay bướm. Luôn luôn viết chữ to bản thì khí lực mạnh hơn.
Chữ thư pháp thì đẹp đẽ, trang nhã (mỗi chữ viết đẹp thì không khác một bức họa vẽ chữ) và lại mới lạ đối với ai mới thử viết nên khiến chúng ta thích viết đi viết lại nhiều lần mà không nản. Có thích thú thì dễ đạt được một yêu cầu rất quan trọng trong chữa bệnh bằng kỹ thuật cao này, đó là sự tập trung.
- Phách công: Người chữa bệnh phẩy bàn tay về phía người bệnh – có thể phẩy gần nơi có bệnh để điều trị cho bệnh nhân theo nội lực của mình
- Thập tự công: dùng ngón tay trỏ gạch dấu thập trên vùng đau hay có bệnh của bệnh nhân – không nhất thiết phải chạm vào bệnh nhân
- Xoắn công: Dùng ngón tay trỏ vẽ một hình tròn xoắn hình trôn ốc từ ngoài vào trong, tâm điểm là sinh huyệt (điểm đau) của bệnh nhân – Điều này giúp cho điển lực tập trung một cách mạnh mẽ vào điểm cần tác động. Kỹ thuật này cũng tương tự như Thập tự công.
- Hỏa công: dùng sức nóng (hơ bằng nhiều hình thức như hơi nóng, hòn đá nóng…) để tác động trên các sinh huyệt hay vùng đau.
- Xuy công: dùng hơi thở của người chữa bệnh thổi vào các vùng đau của bệnh nhân
- Hoàn công: dùng ngón tay vẽ vòng tròn cách không trên cơ thể bệnh nhân hoặc nơi đang bị bệnh. Vẽ thuận chiều kim đồng hồ là Dương, ngược chiều là Âm.
- Áp công: Áp lòng bàn tay vào vùng đau của bệnh nhân để truyền điển lực (có được qua quá trình tập Âm dương khí công) khoảng 1 phút.
Lưu ý chung: Huyền công trong Diện Chẩn không phải là liệu pháp chữa bệnh ưu tiên và khi sử dụng phải hết sức cẩn thận, không nên có sự lạm dụng – trong nhiều trường hợp khi những kỹ thuật thông thường vẫn có kết quả tốt thì không cần thiết phải vận dụng Huyền công. |
Trong phạm vi bài viết này, tôi giới thiệu phương pháp chữa bệnh, đặc biệt là có hiệu quả đối với một số bệnh phức tạp (như ung thư…) bằng cách áp dụng phối hợp một số kỹ thuật Huyền công trong Diện Chẩn mà chúng có liên quan đến Tên (số) huyệt Diện Chẩn bởi bằng thực nghiệm lâm sàng, tôi đã tổng hợp và đúc kết ra được:
- Khi đọc tên số huyệt, năng lượng sinh học của con người có thể được dẫn truyền và tác động trực tiếp đến điểm/vùng cơ quan bị bệnh tương ứng với Huyệt đó với hình thức bên ngoài là tần số âm thanh (sóng âm). Đặc biệt ở chỗ: phương pháp này vẫn có hiệu quả nhất định kể cả khi người bệnh tự đọc và không có kiến thức gì về Diện Chẩn (Điều này giúp phân biệt với “Ám thị”)
- Ngoài cách dẫn truyền năng lượng sinh học bằng tần số âm thanh thì người chữa bệnh cũng có thể sử dụng phương tiện là sóng điện từ (như vẽ tên (số) huyệt trên không gian, nhắn tin qua email/sms) để truyền đến người bệnh.
Tuy nhiên để có hiệu quả cao, như đã trình bày ở trên, Huyền công chú trọng sự tập trung và năng lượng điển lực chỉ có thể có được do tập luyện Âm Dương khí công một cách bày bản theo phương pháp Diện Chẩn.
Một số hình thức sử dụng huyền công liên quan đến Số huyệt Diện Chẩn như sau:
- Đọc số:
- Là một hình thức của Niệm công: đọc thành tiếng hoặc đọc thầm tên Huyệt Diện Chẩn (là các con số) tương ứng với bộ phận đang bị bệnh hoặc Bộ huyệt là các phác đồ điều trị theo phương pháp Diện Chẩn
- Bệnh nhân cũng có thể tự đọc nhưng tuyệt đối phải tập trung và mong muốn được hết bệnh mãnh liệt.
- Chu kỳ đọc số Huyệt (hoặc bộ Huyệt) là vài lần
- Có thể dùng Dụng cụ Diện Chẩn để dò huyệt trước (nếu chưa xác định được vị trí của Huyệt đó tương ứng với vùng cơ quan bị bệnh) hoặc không cần dò huyệt trước (nếu đã thuần thục hoặc được hướng dẫn bởi người có chuyên môn Diện Chẩn), thậm chí chỉ cần đọc các số (dãy số) Huyệt được ghi sẵn cũng có thể có hiệu quả nhất định.
- Vẽ số
- Là một dạng của Khoán công và Từ công
- Người thực hành tập trung vẽ trên không gian hướng về phía bộ phận đang bị bệnh tên số Huyệt/bộ huyệt tương ứng với bộ phận đó với ý nghĩ mong muốn hết bệnh mãnh liệt.
- Ngoài ra, người thực hành có thể tự viết tên số huyệt/bộ huyệt thành từng dòng lên giấy (hoặc phương tiện có chức năng ghi thông tin khác, như gõ bằng phần mềm Microsoft Office, vẽ số trên smartphone, tablet…)
- Hình thức cao cấp hơn (cần sự tập trung cao hơn) là thể hiện trong ý nghĩ (khoán vô hình).
- Nhắn tin/email (Amazing Email/sms)
- Liệu pháp chữa bệnh bằng tin nhắn/email[1] là phương pháp chuyển ý lực của người chữa bệnh (đã đạt trình độ nhất định của Âm Dương Khí Công) thành dạng văn bản (text). Người bệnh một khi nhận và đọc được văn bản (sms/email) lập tức trong não sẽ tái hiện, xử lý thông tin và thực hiện “điều khiển liệu pháp” theo nguyên lý Diện Chẩn đến cơ quan đang bị bệnh.
- Phát triển từ Ngôn công: là cách dùng lời nói – Người chữa bệnh chỉ cần hỏi thăm về căn bệnh và yêu cầu bệnh nhân xem lại tình trạng bệnh của mình. Chính lời nói và sự quan tâm sẽ kết hợp với tư tưởng nghĩ về căn bệnh của mình sẽ tạo ra năng lực chữa bệnh.
- Ngoài nội dung yêu cầu bệnh nhân xem lại tình trạng bệnh của mình thì người chữa bệnh có thể chỉ nhắn các tên số Huyệt/ bộ Huyệt để bệnh nhân tự đọc, hoặc kết hợp cả hai để có hiệu quả cao hơn.
Hồ Chí Minh
08/08/2016.
[1] Bùi Quốc Châu, Liệu pháp chữa bệnh bằng tin nhắn (Amazing SMS/Email), © 31/10/2015, số đăng ký 4847/2015/QTG