GIA PHẢ 033. HỌ BÙI (BÙI QUỐC CHÂU), CẦU ÔNG ME LỚN, KHÓM 6, PHƯỜNG 4, THỊ XÃ VĨNH LONG |
|
..:: PHẢ KÝ ::.. |
LỜI TỰA Người xưa đã từng nói “Thời thạnh trị lo tục biên quốc sử, lúc thanh bình lo tu chỉnh gia phả, gia phong”. Đấy là đạo chính nhân vậy. Từ xưa tục chép phả đã được xem như là một nghĩa vụ hết sức thiêng liêng mà người thừa kế của dòng họ buộc phải thực hiện. Gia phả như nhiệm vụ của nó: ghi chép toàn bộ tên họ, năm sinh, năm mất, hành trạng của từng thành viên trong dòng họ nhằm mục đích chính là bảo lưu huyết thống, xâu kết nguồn cội và giáo dục truyền thống gia phong của dòng họ qua nhiều giai đoạn thăng trầm, hưng thịnh. Con cháu cũng từ đây mà có chốn đi về, có nguồn để hướng. Ca dao có câu: Cây có gốc mới nảy cành xanh lá Nước có nguồn mới biển cả, sông sâu. Chuyện ghi tên, chép phả âu đó là bổn phận của hàng bối duệ chúng ta vậy. Gia tộc họ Bùi nhà ta vốn là một dòng họ định cư tại vùng đất Vĩnh Long trong một biến cố không ai không biết, đó là: Giặc Chày vôi, một cuộc nổi loạn của các dân phu xây dựng Khiêm Lăng dưới sự lãnh đạo của Đoàn Trưng vào thời Tự Đức. Chất Nho học thấm sâu vào dòng máu của con cháu họ Bùi qua các thế hệ tạo thành một cá tính riêng biệt: Trọng chữ học, không thích hoạt động thương mại, hào sảng và thương người nên họ Bùi chúng ta được xem là dòng họ hoạt động từ thiện xã hội như xây chùa, tôn tạo văn miếu Vĩnh Long, trùng tu đình thần giúp đỡ những người cơ nhỡ, rất nhiều ở tỉnh Vĩnh Long và các vùng phụ cận bên cạnh các họ Huỳnh, Trương, Nguyễn… xưa. Tuy nhiên, theo vòng biến thiên của cuộc sống, những dòng họ đều có những thăng trầm của nó và họ Bùi chúng ta cũng vậy; sau hàng thập kỷ hưng thịnh con cháu trưởng thành mỗi người lại rời xa nơi “chôn nhau, cắt rốn” để định vị cho mình một cuộc sống riêng. Chính từ đây con cháu họ Bùi chúng ta ngày càng xa nguồn cội, các thành viên trong dòng họ ít biết nhau hơn và thế hệ trẻ lại càng không biết gì nhiều đến ông bà tổ tiên và các thế thứ trong tộc họ. /Trước những vấn đề nan giải ấy, sau nhiều lần thảo luận các thành viên lớn tuổi trong dòng họ, chúng tôi đã quyết định dựng gia phả mà những truyền ngôn, mồ mả và tài liệu chủ lực dự tính lúc ấy là bảng tông chi dòng họ do ông Cả Triều thực hiện năm 1992. Bảng tông chi này dựa trên bảng tông chi của ông Cả Khánh thực hiện vào năm 1930 vốn đã bị mối mọt làm mất đi rất nhiều các tên họ trong chi phái. Nhận thức được điều đó nên ông Bùi Quốc Châu đã liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM, từ đó việc dựng gia phả mới được hanh thông, phương pháp dựng mang tính khoa học mới được triển khai. Sau 18 tháng điền dã trong không gian từ Huế đến Đà Nẵng rồi các địa bàn TP.HCM, Vĩnh Long, Đồng Tháp nay cơ bản đã hoàn thành, chuyển cho các thành viên lớn tuổi trong dòng họ nghiệm thu, sửa chữa, hoàn tất và chính thức công bố rộng rãi trong họ tộc. Tuy mọi việc đã được giải quyết, những tồn nghi đã được khai thông nhưng không thể bảo rằng sẽ không còn những thiếu sót trong cuốn gia phả này. Mong rằng các thành viên trong dòng họ bổ túc thêm những thiếu sót ấy để cuốn gia phả họ Bùi chúng ta ngày thêm hoàn chỉnh hơn. Gia phả này để phổ biến trong dòng họ và chấp thuận cho các nhà khoa học lịch sử cùng nghiên cứu. Long Hồ, đầu hạ năm Đinh Hợi 2007 GS-TSKH BÙI QUỐC CHÂU
PHẢ KÝ Chép phả và dựng phả được xem là việc làm thiêng liêng của hàng con cháu đối với ông bà tổ tiên, cũng thông qua đó mà các thế hệ thành viên trong dòng họ được dịp “Tầm căn vấn tổ, báo bổn tư nguyên” như là một trách nhiệm, một nghĩa vụ của lớp hậu bối đối với tổ tiên và trở thành đạo lý gắn chặt với đời sống của nền đạo đức, phong hóa những người con Việt. Nền đạo đức ấy được thể hiện qua việc phụng thờ tổ tiên, hiếu kính với các bậc sinh thành, kính trên, nhường dưới với các thành viên trong dòng họ, xây dựng và phát triển truyền thống của dòng họ gắn với những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Cùng với sự chuyển biến của thời gian từ một vài thành viên trong gia đình lần hồi con cháu mỗi ngày thêm đông đảo thế là nhiều thành viên gia đình mới hình thành, từ đó đã phát triển trở thành một dòng họ. Việc định hình một dòng họ tự thân đã có nhiều câu chuyện được truyền lưu, đó là lịch sử phát triển của dòng họ. Thế nhân chúng ta không thể nhớ hết những lịch sử phát triển của dòng họ qua cung bậc thời gian và sự thăng trầm của hàng bao thế kỷ. Chỉ có gia phả mới làm được và giải quyết một cách ổn thỏa vấn đề này. Gia phả thay chúng ta ghi lại đầy đủ nguồn gốc dòng họ, thế thứ các thành viên trong dòng họ, ghi chép hành trạng cụ thể từng thành viên, mồ mả, ngày giỗ, chạp của những người đã mất. Không chỉ vậy trong gia phả còn ghi lại những gương tốt đẹp của các thành viên trong dòng họ thế hệ tiền nhân của chúng ta cùng với thế hệ hiện tại của dòng họ. Nhìn vào gia phả là nhìn vào quá trình phát triển hưng, phế của dòng họ. Từ gia phả hàng con cháu học được những điều hay, những lẽ phải rồi từ đó tự vấn bản thân, soi rọi gương tốt để noi theo học hỏi những điều tốt, tránh xa những cái xấu để xứng đáng với những tiền nhân đã dày công kiến tạo dòng họ. Hiểu được lịch sử của dòng họ thấy được truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân là chúng ta vững bước đi tương lai nên việc ghi chép gìn giữ gia phả là vô cùng cần thiết đối với hàng con cháu hiện tại. Họ Bùi chúng ta dựng phả cũng chính là mục đích ấy. I. CỘI NGUỒN CỦA DÒNG HỌ Đã từ lâu chúng ta luôn muốn tìm hiểu một cách thấu đáo rằng họ Bùi của chúng ta có nguyên quán từ đâu? Đấy là nỗi trăn trở và niềm khát khao của hầu hết các thành viên trong dòng họ. Tuy nhiên sự kiện mà con cháu trong dòng họ ai cũng biết rằng ông tổ họ Bùi về định cư tại vùng đất Cái Sơn - Vĩnh Long gắn với một biền cố xảy ra tại triều đình Huế đó là giặc Chày vôi vào thời Tự Đức. Nhưng tiếc là không ai trong dòng họ nhớ được ông bà tổ phụ tên gì và người gốc tỉnh nào? Ngay như trong bảng Tông chi của dòng họ Bùi do ông Cả Đại Hiền Bùi Văn Khánh thực hiện vào năm 1930 và sau này ông Cả Triều biên soạn có bổ sung vào năm 1992 vẫn chỉ ghi đến đời thứ II và hoàn toàn bỏ ngỏ đời thứ I. Việc xác định nguyên quán và tên của ông bà Tổ phụ là cần thiết trong việc dựng một bộ gia phả hoàn chỉnh mà chúng ta đang thực hiện. Dựa vào lời kể của cô Chín Ngoạn vị cao niên nhất trong dòng họ hiện nay cho chúng ta biết rằng: “Khi còn nhỏ tôi thường được cha (ông Cả Khánh) đưa đi tảo mộ tại Cái Sơn và thu lúa tô. Tại Cái Sơn có hai ngôi mồ đắp nền đất rất cao mà cha tôi thường gọi là ông Cau Xiêm và ông Bụi Tre, vì cả hai ngôi mộ này một ngôi bên cạnh có cây cau Xiêm mọc rất cao và ngôi mộ kia có một bụi tre mọc gần đó nên thấy vậy ông tự đặt tên cho dễ gọi. Tuy nhiên cha tôi nói rằng đây là ngôi mộ ông bà tổ của dòng họ vốn là người Quảng Nam chạy giặc Chày vôi đi ghe bầu tìm đến Vĩnh Long và định cư tại vùng đất Cái Sơn…”. Từ những thông tin mở này chúng ta có thể xác định rõ ràng, nguồn gốc của dòng họ Bùi vốn không phải định hình từ làng Long Hồ mà chúng ta lại có nguồn gốc từ làng Sơn Đông (tục gọi là Cái Sơn Lớn) qua chứng tích còn lưu dấu hai ngôi mộ song hồn đắp nền đất rất cao tại Cái Sơn Lớn được các thế hệ thay nhau gìn giữ hương khói. Tiếc rằng khi tiến hành khảo sát để dựng phả thì hai ngôi mộ trên không còn bởi vùng đất cạnh con sông Cổ Chiên này được Nhà nước quy hoạch xây dựng khu công nghiệp của tỉnh nên phải giải tỏa thực hiện chủ trương của Nhà nước. Con cháu trong dòng đã tiến hành cải táng và đưa hài cốt về gởi tại chùa Cái Sơn thuộc ấp Sơn Đông, phường 4, thị xã Vĩnh Long. Theo thông tin của các thành viên tham gia việc cải táng hai ngôi mộ trên thì hầu như phần xương cốt đã bị phân hủy nhưng vẫn còn biết được rằng ngôi mộ thường gọi là ông Cau Xiêm là ngôi mộ của ông và ngôi mộ ông Bụi Tre là ngôi mộ của bà do một phần y phục của hai ngôi mộ này chưa phân hủy và hư hại. Vậy là việc xác định hai ngôi mộ đã rõ, giải tỏa nhiều thắc mắc, hồ nghi về chủ nhân đích thật của hai ngôi mộ. Nhưng chúng ta chỉ dừng lại ở tầm xác định đây là hai ngôi mộ của ông bà Tổ phụ mà trước đó cứ ngộ nhận là ngôi mộ của vị tổ phụ đời thứ I và đời thứ II. Tuy vậy trong quá trình cải táng hai ngôi mộ này chúng ta lại phát hiện thêm rằng ngoài con cháu họ Bùi chịu trách nhiệm hương khói và cúng giỗ vào dịp Xuân tế, không kém gì một vị tiền hiền hay hậu hiền của làng. Theo chỉ dẫn của các vị chức sự của đình Sơn Đông chúng ta đã liên hệ và gặp được cụ Trần Văn Phúc hiện đã 90 tuổi là chánh bái của đình, người hiểu nhiều về nguồn gốc hai ngôi mộ này. Cụ Phúc cho biết: “Hai ngôi mộ này là của một vị quan triều đình vào đời Tự Đức có tê là Bùi Quỹ. Ông là người xây dựng và trùng tu đình Sơn Đông vốn trước kia ở Vàm Ngãi Bắc được hương chức tôn làm hậu hiền nhưng sau đó bị quan tỉnh Vĩnh Long có chỉ cấm không được tôn thờ trong đình, không được đặt bài vị nhưng mỗi lần Xuân tế làng vẫn lén cúng và vẫn âm thầm tôn ông là hậu hiền”. II. TỪ NHỮNG NGỘ NHẬN ĐẾN VIỆC TÌM RA TỔ QUÁN Từ thông tin của cụ Trần Văn Phúc với bài chúc văn tế hậu hiền có hương chức đình Sơn Đông và cá nhân cụ Phúc cung cấp chúng ta đã cơ bản tìm được tên của Tổ phụ là Bùi Quỹ. Từ việc tìm ra tên của Tổ phụ dòng họ Bùi chúng ta, phần nào đáp ứng được nỗi khắc khoải của hàng con cháu là muốn biết được danh tánh của vị Tổ phụ đầu tiên của dòng họ. Từ đây qua việc đối chiếu với các dữ kiện lịch sử được quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép chúng ta biết rằng; vào thời Tự Đức có một vị tiến sĩ tên là Bùi Quỹ bị triều đình cách chức đày đi Bình Thuận vì dám ra mặt công khai chống Cơ Mật Viện và chỉ trích Đại thần Trương Đăng Quế chuyên quyền và độc tài. Một lập luận được đưa ra là có lẽ từ việc bị triều đình Tự Đức cho lưu đày vùng đất Bình Thuận cảm khái trước thời cuộc nên ông đưa gia đình bôn tẩu về miền lục tỉnh và tìm đến vùng Cái Sơn, Vĩnh Long lánh ẩn, đó chính là Tổ phụ của chúng ta. Để tìm được bằng chứng xác thật cho lập luận trên với sự giúp sức của phòng Tư liệu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và cá nhân của nhà Huế học Phan Thuận An, Mai Khắc Ứng, chúng ta đã tiếp cận thêm bộ Bùi tộc Thế phả bên cạnh bản tóm lược của bản Bùi tộc Thế phả được tìm thấy tại Bình Thuận do nhà Hán Nôm Võ Văn Sổ cung cấp trước đó. Cả hai bộ gia phả này đều ghi chép rất thống nhất về tổ quán và hành trang của tiến sĩ Bùi Quỹ, tuy nhiên thông qua tổ quán thì rõ ràng có rất nhiều dị biệt. Cụ thể, thông tin trong dòng họ Bùi chúng ta cho rằng Tổ phụ với người gốc Quảng Nam trong khi đó thì tiến sĩ Bùi Quỹ lại là người ở Tổng Hải Yến phủ Khoái Châu trấn Sơn Nam Thượng (nay là tỉnh Hưng Yên). Ông sinh năm Bính Thìn (1796) đời Cảnh Thịnh thứ 3 thi đổ Cử nhân khoa Mậu Tý năm Minh Mạng thứ 7 (1828), một năm sau ông lại thi đỗ Tam Giáp Đồng tiến sĩ vào năm Kỷ Sửu (1829) năm Minh Mạng thứ 8 và mất năm Tân Dậu (1861). Trong khi đó thì giặc Chày vôi và vụ án Khiêm Lăng lại xảy ra sau khi ông mất đến 5 năm đó là năm 1866 (Bính Dần). Nối kết những sự kiện có nhiều mâu thuẫn này, rõ ràng chúng ta đã phần nào chưa thể khẳng định một cách chắc chắn rằng tiến sĩ Bùi Quỹ là tổ phụ của dòng họ khi mà chúng ta không thể tìm thấy người con nào của tiến sĩ Bùi Quỹ được ghi chép trong gia phả có tên ông Bùi Quốc Bửu mà trong bảng tông chi của ông Cả Khánh, ông Cả Triều và bia mộ, bài vị ghi chép của dòng họ từng đề cập và xem như thế hệ thứ II của tộc họ chúng ta. Để giải quyết dứt điểm những tồn nghi này với sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban quản trị đình Sơn Đông chúng ta đã có thêm cuộc tiếp xúc với ông Hồ Lê Thanh thường gọi là ông Tư Thanh. Ông Tư Thanh năm nay đã 92 tuổi nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Ông vốn là vị Hương lễ đình Sơn Đông từ năm 1942 cho đến năm 1975, người hiểu rõ nhất về sự kiện của hậu hiền Bùi Quỹ. Ông hiện đang sống cùng với người con út tại khu phố 4, thị trấn Nha Mân, Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Theo ông Tư Thanh thì ông Bùi Quỹ, vị hậu hiền của đình Sơn Đông vốn gốc người làng Duy Phú, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là người rất giỏi về địa lý, âm dương nên được vua Tự Đức cho mời về làm việc trong Khâm thiên giám. Ông là một trong những vị quan tham gia vào việc chọn địa điểm xây dựng Khiêm Lăng. Sau vụ giặc Chày vôi, ông bị triều đình kết tội lưu đày cùng toàn gia quyến về Vĩnh Long và định cư tại vùng Cái Sơn. Ngoài thông tin và những câu chuyện kể ông còn cung cấp thêm những ghi chép liên quan đến vị hậu hiền Bùi Quỹ khi đình làm đơn xin phép chính quyền tỉnh Vĩnh Long cho di dời đình từ Vàm Ngãi Bác về cạnh chùa Quan Thánh Đế Quân vào năm 1945. Trong phần trình bày nguyên nhân hình thành đình Sơn Đông gởi đến chủ tỉnh Vĩnh Long lúc đó có đoạn viết “… Đình đã được ông Bùi Quỹ, người gốc miền Trung với con dân làng Duy Phú, phủ Duy Xuyên bị triều đình quản thúc tại Cái Sơn chủ trương xây dựng trên một cái nền vốn trước kia đã có một ngôi đình khác bị hư hại…”. Từ những cứ liệu nêu trên đã phần nào cho chúng ta khẳng định rằng; Tổ phụ chúng ta có cùng tên Bùi Quỹ nhưng không phải là tiến sĩ Bùi Quỹ như giả định ban đầu. Đặc biệt hơn thông qua những cứ liệu mà ông Tư Thành và Ban quản trị đình Sơn Đông cung cấp, chúng ta có thể khắc họa một vài nét tóm lược về tổ phụ như sau: Tổ phụ có tên là Bùi Quỹ - người làng Duy Phú, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. (Đây là cố quán họ Bùi, ta có dịp truy tìm). Sách Đại Nam Nhất Thống Chí quyển viết về tỉnh Quảng Nam chép: “Làng Duy Phú nằm cạnh địa giới giữa phủ Duy Xuyên với phủ Điện Bàn. Làng do chính nhà vua Lê Thánh Tông lập khi ông tổ chức công cuộc Bình Chiêm thắng lợi. Một số binh lính người Thanh Hóa tham gia trong cuộc chiến này tình nguyện xin ở lại khẩn đất lập làng và rước gia đình thân tộc về đây sinh sống. Nét đặc biệt là người làng rất giỏi lấy nhâm độn, nghề xây dựng, kiến trúc. Đức Thế tổ Cao Hoàng Đế khi tiến hành trùng tu các công trình tại kinh đô đã triệu hầu hết những người thợ của làng này”. Ông là người rất giỏi dịch lý âm dương và pháp môn nhâm độn nên được đề cử làm việc trong Khâm Thiên Giám vào triều Tự Đức. Năm Quý Hợi (1863) ông và các vị quan trong Khâm Thiên Giám phụng mệnh nhà vua Tự Đức tìm chọn địa cuộc để xây dựng Khiêm Lăng. Tháng Chạp năm Giáp Tý (1864) khởi công xây dựng Khiêm Lăng, ông tham gia trong việc chỉ đạo nhóm thợ thiết kế công trình. Ngày mùng 8 tháng 8 năm Bính Dần (17/9/1866) xảy ra cuộc loạn của thợ xây dựng Khiêm Lăng do Đoàn Trưng lãnh đạo nhưng sau đó thì bị quân triều đình trấn áp, cuộc loạn bị dập tắt Đoàn Trưng và những người liên can bị bắt, bị chém và bị lưu đày. Sách Đại Nam Liệt truyện quyển chép: “Tháng 9 năm Bính Dần (1866)lệnh vua lưu đày các quan trong Khâm Thiên Giám có liên đới đến loạn đảng tại Khiêm Lăng và toàn gia quyến đày về phương Nam, thuyền đi từ cửa Thuận An…”. III. NƠI CHỐN LƯU ĐÀY Theo cách viết của Đại Nam Liệt truyện thì rõ ràng Tổ phụ và gia quyến cùng có mặt trong chuyến đi định mệnh này. Nếu thuyền khởi hành từ cửa biển Thuận An vào dịp tháng 9 mùa gió thuận chỉ đến tháng 10 hay tháng Chạp thì thuyền đã vào đến cửa biển Cổ Chiên. Từ cửa biển Cổ Chiên, ngược dòng con sông Tiền để tiếp tục cuộc hành trình là chuyện khó khăn vô cùng vì lúc này đang vào cuối mùa nước nổi nên dòng nước chảy rất mạnh khó có thể cho thuyền đi tiếp. Việc tổ phụ Bùi Quỹ chọn rạch Cái Sơn đoạn tiếp giáp và lưu thông với con sông Cổ Chiên làm nơi định cư cho cả gia đình là hoàn toàn hợp lý. Dựa vào tài liệu có được của đình Sơn Đông thì trong chuyến đi này gồm có ông bà tổ phụ, người con trai duy nhất là Bùi Quốc Bửu và gia đình. Theo tài liệu thì năm ấy ông vừa đúng 65 tuổi. Từ đây chúng ta có thể xác định một cách chuẩn xác năm sinh của tổ phụ là vào năm Tân Dậu (1801). Ông sinh vào năm Tân Dậu, cùng năm với nhà Nguyễn đã chiếm được ngai vàng từ triều đại Tây Sơn, khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cõi nước Nam từ Cao Bắc Lạng đến Mũi Cà Mau. Rạch Cái Sơn vốn là con rạch tự nhiên xuất phát từ vùng trũng của miệt Vũng Liêm đổ ra sông Cổ Chiên. Sách Đại Nam Liệt truyện Tiền biên phần tỉnh Vĩnh Long viết: “Rạch Cái Sơn chạy dài từ phía tây thành Long Hồ đổ ra sông Cổ Chiên. Nơi ấy cư dân thưa thớt, lau sậy um tùm, trước kia Đức Hoàng Khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế thường mượn địa thế này để chống lại với giặc Tây Sơn, về sau dân chúng tìm đến định cư dọc bờ sông rất sầm uất. Năm Tự Đức thứ tư có lập chợ dân gian thường gọi là chợ Cái Sơn thuộc làng Sơn Đông, phủ Định Viễn quản lý…”. Dựa vào tư liệu còn ghi chép về nguồn gốc đình Sơn Đông thì làng Sơn Đông được lập vào năm Minh Mạng thứ 12 vốn gốc từ dân 2 làng Long Châu và Long Hồ của phủ Định Viễn. Nguyên nhân của việc lập làng được ghi chép khá cụ thể trong Minh Mạng chính yếu năm thứ 11: “Năm 1831 thành phần phủ Định Viễn tâu: Dọc bờ sông Cổ Chiên vốn đất còn hoang vu, là vùng xung yếu cần lập thêm làng mới, mộ dân hai làng Long Châu, Long Hồ đến khai hoang, việc khai khẩn ruộng đất vẫn chưa xong thì xin trì hoãn việc thu thuế. Vua phán: Đó là vùng cận yếu hết sức quan trọng đối với mạn Đông và Tây sông Tiền, trẫm muốn vì nhân dân mà giữ gìn cho nên phải đặc biệt chú ý tới việc cai trị. Đó là kế hoạch biên phòng. Còn vấn đề thuế khóa đinh điền, đâu phải là việc cần tính toán trước”. Rồi ngài cho miễn thuế 3 năm. Tuy nhiên việc định hình làng Sơn Đông chưa được là bao thì vào tháng 3 năm 1841, Thiệu Trị nguyên niên, vùng Lạc Hóa (nay là Trà Vinh) người Miên làm loạn. Người cầm đầu cuộc loạn là Lâm Sâm (còn đọc là Lâm Xum, tiếng địa phương gọi là Xà Na Xom hoặc Xà Xom, tức là viên tướng tên Xom). Thoạt tiên loạn quân chiếm đồn Nguyệt Lãng (nay thuộc làng Nguyệt Hóa, ngoại ô thị xã Trà Vinh). Giặc lôi cuốn được mấy sóc Miên ở rạch Cần Phong (nay là Tiểu Cần) xuống đến Bắc Trang ra đến mé sông Hậu, vùng Trà Điêu. Có lúc giặc thắng thế chiếm đến vùng Đông và Tây sông Cổ Chiên, làng Sơn Đông bị giặc chiếm giữ và đốt phá. Triều đình phải dồn lực lượng đến tảo thanh dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Bùi Công Huyên, tham tán thành trấn Tây là Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Công Trứ cũng rút về nước tiếp tay kết hợp với tướng Nguyễn Tri Phương. Tháng 10 năm 1841 mới ổn định được tình hình, làng Sơn Đông hoàn toàn vắng bóng người, từ đó lại rơi vào hoang hóa. Dân chúng chỉ trở lại và tập trung nhiều dọc bờ rạch Cái Sơn. Năm Tự Đức thứ 4 (1851), tình hình dân cư làng Sơn Đông mới ổn định và lập được chợ Cái Sơn. Vậy là trải qua những cuộc biến loạn việc ổn định làng Sơn Đông vẫn còn tiếp diễn khi mà ông Tổ họ Bùi chúng ta từ cửa biển Thuận An về sống lưu đày tại đây vào tháng Chạp năm Tự Đức thứ 19 (1866). Năm Tân Mùi Tự Đức thứ 24 (1871) đình Sơn Đông chính thức được tái lập do sự ủng hộ tài lực của ông Tổ họ Bùi là Bùi Quỹ đang trong thân phận lưu đày. Theo bảng ghi chép, khi đình xây dựng hoàn chỉnh thì vào cuối tháng Giêng năm Nhâm Thân (1872) ông qua đời hưởng thọ 70 tuổi trong mặt biến cố chung của vùng đất Nam Kỳ lúc đó đã hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp xâm lược. Do nhiều biến cố xảy ra, tộc họ Bùi chúng ta không còn định cư tại vùng Cái Sơn nữa. Ông Tổ đời thứ II là Bùi Quốc Bửu đã đưa toàn bộ gia quyến về sống cạnh sông Long Hồ thuộc thôn Long Hồ, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long. Tại đây con cháu dòng họ Bùi mới được dịp phát triển nhưng tiếc thay lại rơi vào đúng lúc nước mất nhà tan nên hầu hết thế hệ thứ III trong dòng họ hầu như không được tiếp tục con đường khoa bảng nhưng với khí chất của những bậc thượng Nho đã phần nào cũng làm rạng danh dòng họ. IV. TRUYỀN THỐNG DÒNG HỌ
Chùa Giác Thiên do gia tộc họ Bùi khai sơn Ước nguyện lớn nhất của Tổ phụ là sau này con cháu luôn xem trọng con đường học vấn, lấy khoa cử làm sự nghiệp cho mỗi cá nhân, không đua chen con đường thương mại, trọng nghĩa khinh tài. Tư tưởng ấy, ước mong ấy đã tạo cho họ Bùi chúng ta một truyền thống tốt đẹp. Nó trở thành chuẩn mực trong quan điểm sống và giáo dục con cái của các thành viên trong gia tộc. Tại thôn Long Hồ con cháu họ Bùi chúng ta vốn được xem là sống theo gia phong, lễ giáo một cách triệt để nhất. Đó không chỉ là tính cách mà nó còn thể hiện qua lối sống và cách sống; con cháu sống quanh với ông bà, cha mẹ, thành viên trong gia tộc sống xung quanh nhà thờ tổ tiên tạo thành một khu vực riêng biệt của dòng họvới gia phong, gia huy, gia đạo đàng hoàng, nhà cửa khang trang, sạch sẽ, hàng rào dâm bụt thẳng tắp khiến ai đã từng đi qua đều tỏ ý khen ngợi. Một lối sống tao nhã của những người Nho học. Mặc dù chấp nhận cuộc sống lưu đày cùng cả gia đình theo phụng dưỡng cha mẹ nhưng ông Tổ đời II cũng đã kế thừa được truyền thống dòng họ, và ông tức là ông Bùi Văn Bửu (hay Bùi Quốc Bửu) được xem là một vị hộ pháp đắc lực cho đạo Phật tại Vĩnh Long, một nhà Phật học có tiếng ở miền Tây một thời và là người phát nguyện thọ Bồ Tát giới hiện tượng hiếm có làm ngạc nhiên nhiều nhà viết sử Phật miền Nam. Bồ Tát giới là một học giới gồm 350 điều với một chí nguyện được xem là “Xuất trần Thượng sĩ” người tu theo hạnh Bồ Tát giới ngoài am tường Phật học còn là một nhà bảo trợ Phật giáo trong mọi hoạt động từ Phật sự đến đối ngoại, người đứng ra thành lập chùa Giác Thiên tại tỉnh Vĩnh Long. Tuy ông kết hôn đến 7 bà nhưng đều chăm lo chu đáo, vẹn nghĩa trọn tình. Tiếp nối truyền thống Nho học các thế hệ như ông Bùi Kim Bảng, Bùi Chiêu Quan đều là những nhà Nho của vùng đất Vĩnh Long. Ông Bùi Kim Bảng và ông Bùi Văn Khánh là những người có công đầu trong việc bảo tồn và gìn giữ Văn Miếu Vĩnh Long. Ông Bùi Kim Bảng là người chủ xướng chọn tòa Văn Xương Các vốn trước kia quan Đốc học tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thông thiết lập làm tàng thư lưu trữ kinh sách và chỗ đến đọc sách của các bật túc nho làm nơi tôn thờ cụ Võ Trường Toản và tiến sĩ kinh lược sứ Phan Thanh Giản khi tiến hành trùng tu văn miếu Vĩnh Long tồn tại cho đến ngày nay có sự đóng góp rất lớn của các vị tiền bối trong dòng họ chúng ta. Văn miếu được xây dựng một cách vội vã vào năm Giáp Tý (1864) và hoàn thành năm Bính Dần (1866) đúng lúc Tổ phụ và gia đình của tộc họ Bùi chúng ta vừa đặt chân về vùng đất Cái Sơn trong thân phận lưu đày. Nhưng chỉ 10 năm sau đó thành Vĩnh Long bị thất thủ, cụ Phan Thanh Giản tuẫn tiết bằng thuốc độc, Văn Miếu đứng trầm mặc với thân phận của đất nước bị quân ngoại bang dày xéo. Tuy vậy với truyền thống yêu nước các bậc túc Nho tình nguyện ở lại đã cùng nhau gìn giữ một cách vẹn tròn Văn Miếu như biểu tượng của tâm hồn lưu dân Ngũ Quảng với vùng đất phương Nam. Trong các bậc túc Nho ấy có cả ông Tổ đời II Bùi Văn Bửu và các thế hệ như hương chủ Bùi Kim Bảng, hương bộ Bùi Văn Khánh hiện vẫn còn trong văn bia ghi công dựng trước tiền sảnh Văn Miếu Vĩnh Long.
Cổng và lối vào Văn Miếu Vĩnh Long Bước vào những năm của phong trào Duy Tân và Đông Du của các nhà Nho yêu nước khởi xướng, dòng họ chúng ta lại xuất hiện một nhân vật được xem là khá ưu tú trong phong trào minh tân diễn ra rộng khắp miền Tây Nam bộ đó là ông Bùi Văn Tửu. Theo tác giả người Pháp G. Coulet viết về hội Kín ở An Nam nhà sách C. Ardin xuất bản tại Sài Gòn năm 1926 khi nói về hoạt động của Việt Nam Quang Phục hội tại Vĩnh Long có đề cập đến ông Bùi Văn Tửu, người đã âm thầm giúp hoàng thân Cường Để hoạt động tại Vĩnh Long khi ông bí mật về nước nhằm kêu gọi sự ủng hộ của đồng bào lục tỉnh. Kế tiếp đó là việc mở nhà sách Long Hồ tại tỉnh Vĩnh Long và lập nhà in Minh Đức ở đường Bàn Cờ, Sài Gòn của ông Bùi Văn Hườn như là cách cổ vũ tinh thần trọng thị văn hóa, nét tinh hoa của tộc họ Bùi chúng ta. Rồi mạng mạch truyền thống ấy lại tiếp tục phát ra những tinh hoa mới, dòng họ lại có GS-TS Bùi Quốc Thăng giảng viên chính của đại học đường Canada, GS-TS Bùi Quốc Châu người phát minh, ông Tổ ngành Diện chẩn - Điều khiển liệu pháp đã được trường Đại học mở Quốc tế về Y học bổ sung (The open International University of Complementary Medicine) trao bằng tiến sĩ Khoa học danh dự (Doctor of Science Dr. Sc. Honoris Causa), bằng này chỉ dành cho bậc tài năng có công trình xuất sắc về y học song song (Alternative Medicine), ở Việt Nam ông được xem là người đầu tiên tiếp nhận danh hiệu cao quý này. Thế hệ trẻ ngày nay cũng đã phần nào làm rạng danh truyền thống của dòng họ bằng khả năng học của mình, nhiều con cháu đã và đang tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ khắp trong và ngoài nước như càng tô đậm thêm nữa truyền thống hiếu học có từ thời kỳ đầu khi ông Tổ Bùi Quỹ đến khai phá vùng đất Cái Sơn, Vĩnh Long cho đến ngày nay.
Bia Văn Thánh Miếu Vĩnh Long ghi công gia tộc họ Bùi
Cổng Văn Thánh Miếu Vĩnh Long V. ĐÔI ĐIỀU ĐỌNG LẠI Rõ ràng: Tộc họ Bùi chúng ta là dòng họ có công lớn trong việc khai phá vùng đất Cái Sơn nằm ven con sông Cổ Chiên từ sự kiện của vụ án Khiêm Lăng. Trải qua hàng trăm năm định cư tại vùng đất mới, con cháu tộc họ Bùi đã đóng góp cho vùng đất một truyền thống tốt đẹp tạo nên nét văn hóa chung của vùng đất hiếu học nhất lục tỉnh như Vĩnh Long. Tinh thần và tư tưởng Nho học bao quát đã thực thụ thấm đậm vào dòng máu con cháu họ Bùi, đi đâu, về đâu rồi qua các cuộc thăng trầm nhưng dấu ấn ấy mãi đeo mang như hành trình nối tiếp nguồn cội. Tuy vậy cái mà hiện nay chúng ta vẫn còn bâng khuâng là: Mộ phần ông Tổ đã được sang lấp bởi dự án làm khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Long, hài cốt qua việc cải táng nay vẫn còn đang ký gởi tại chùa Cái Sơn Bé, bổn phận chúng ta làm sao quy tập hài cốt ông bà trở về tại vùng đất của nhà thờ tộc họ, xây lại ngôi mộ khang trang nhằm truy niệm công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà Tổ phụ đối với các hàng con cháu: Đó là bổn phận, là trách nhiệm mà mỗi thành viên trong dòng họ cần phải thể hiện, xin hãy đừng vì câu chuyện quá khứ mà bỏ quên cội nguồn. Trải qua những thăng trầm cuộc sống con cháu tộc họ dần được lớn thêm và vươn xa trăm ngã, có người rời quê nhà tìm đến Châu Thành lập nghiệp và định cư tại đó, có người đến tận Sài Gòn tìm kế mưu sinh sau đó cũng đã an cư lập nghiệp trở thành cư dân đô thị, có người ly hương nữa vòng học, chăm chỉ trong công việc, yêu mến văn học, ít tham gia vào con đường đua chen danh lợi, không phù hợp với chuyện bán buôn thương mại, chịu thương, chịu khó, giàu không kiêu căng, nghèo không nản chí, luôn giữ vững khí tiết của một bậc trượng phu dù đó là trong thời hiện đại. Từ đó mà suy nghiệm rằng: thế hệ tiếp nối như chúng ta nay đã không còn vướng bận những nỗi lo, nhà nhà phong quan khởi sắc, có đầy đủ điều kiện tổ chức gia đình. Vậy nên cần phải khuyến khích con cháu noi gương tổ tiên chăm lo con đường học vấn, chung tay xây dựng xóm làng, đề phòng tệ nạn xã hội, tôn vinh gìn giữ truyền thống gia tộc. Để rồi đừng làm những chuyện gì làm mất đi gia phong của dòng họ hầu tủi hỗ với vong linh ông bà, tất cả các thành viên trong dòng họ phải: xây dựng gia đình hạnh phúc, chấp hành tốt mọi nghĩa vụ và chính sách của Nhà nước, tôi luyện bản thân hầu góp phần vào việc kiến thiết quê hương, đất nước giàu mạnh. Đối với các thành viên trong dòng họ phải trên thuận dưới hòa, hữu cung huynh đệ, đoàn kết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, biết ơn tổ tiên, quan tâm đến mả mồ, giỗ chạp, thực hiện hạnh hiếu đối với ông bà, cha mẹ. Đối với các dòng họ xung quanh phải biết tôn trọng, giúp đỡ và đối xử một cách công bằng vì rằng cổ nhân có câu “Kính người trọng mình”. Bây giờ, dù cho dòng họ chúng ta tuy đã rẻ đi trăm hướng: người ở Vĩnh Long, người ở Sài Gòn, người đang định cư tại nước ngoài nhưng nay danh sách đã được lưu vào gia phả, các hàng con cháu mai sau nương đây mà tìm về nguồn cội, từ đây mà kế tục, thấy đó mà phát huy tinh thần và truyền thống dòng họ, rồi tự hào, rồi phát huy cái tinh hoa mà các bậc tiền bối tổ tiên kiến tạo. Vì vậy gia phả là cội nguồn thiêng liêng, là chốn quay về, nơi ấy chúng ta có chung dòng máu, cùng huyết thống, cùng cội nguồn, cùng một tổ tiên ông bà. |
Gia tộc họ Bùi nhà ta vốn là một dòng họ định cư tại vùng đất Vĩnh Long trong một biến cố không ai không biết, đó là: Giặc Chày vôi, một cuộc nổi loạn của các dân phu xây dựng Khiêm Lăng dưới sự lãnh đạo của Đoàn Trưng vào thời Tự Đức.