Sai lầm trong chọn nấm
Theo TS-BS Nguyễn Tiến Dũng, công tác tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhiều người cho rằng nấm có màu sắc sặc sỡ là nấm độc nhưng không biết rằng nấm trắng cũng vẫn có thể độc. “Trung tâm tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp ăn phải loại nấm màu trắng; khi ăn rất ngọt, mềm nhưng lại là loại nấm cực độc. Có gia đình 9 người ăn thì đến 8 người tử vong do nấm trắng đó”, TS Dũng cung cấp thông tin.
Mùa xuân thời tiết ấm, ẩm là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Đây cũng là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại nhiều tỉnh miền núi phía bắc và một số vùng ở Tây nguyên. Tại trung tâm chống độc, số ca ngộ độc nấm thường tăng cao vào dịp đầu năm (tháng 3 – 5), nhiều ca nặng gây suy đa tạng, tỷ lệ tử vong cao (có thể lên đến 50%).
BS Dũng cũng lưu ý, đừng trông chờ vào sự lựa chọn của côn trùng để hái nấm ăn. Thật sai lầm khi cho rằng “cứ loại nấm côn trùng ăn được thì người cũng ăn được”. Thực tế có bệnh nhân thấy nấm đó có con kiến đến ăn, nghĩ không độc nên yên tâm sử dụng. Nhưng ăn xong thì tử vong. “Các loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn nên không thể dựa vào chúng để chọn nấm cho người”, BS Dũng nhấn mạnh.
Việc thử cho động vật (gà, chó…) ăn trước, nếu sau 1- 2 giờ, động vật không chết hoặc không bị ngộ độc là nấm không độc cũng không phải là cách nhận biết nấm độc với nấm lành hiệu quả. Theo bác sĩ Dũng, điều này chỉ đúng với một số loại nấm tác dụng nhanh. Bởi vì nấm gây chết người thường có tác dụng chậm, sau 12 – 24 giờ mới có triệu chứng đầu tiên. Động vật chỉ chết sau 4 – 5 ngày. Thậm chí, một số người thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền… làm bằng bạc vì cho rằng nếu vật dụng đó thay đổi thành màu xám đen thì nấm có độc. “Nhưng cách thử này cũng không đem lại hiệu quả bởi vì các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu. Việc phân biệt nấm độc với nấm lành khá khó khăn bởi chúng có nhiều loại. Riêng tại tỉnh Cao Bằng, các chuyên gia đã tìm thấy đến 13 loại nấm độc”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Cẩn trọng với nấm hoang dại
Th.S-BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách trung tâm chống độc, lưu ý thêm: người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái nấm hoang dại ăn kể cả nấm màu trắng trông có vẻ an toàn. Đặc biệt, không hái nấm non chưa xòe hết mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm, khó nhận dạng nấm. “Ngay với nấm tươi, được xác định là loại ăn được cũng nên chế biến nấu ăn ngay. Nếu để ôi, dập nát lại là điều kiện hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Tuyệt đối không ăn nấm đã bị thối rữa ôi thiu”, BS Nguyên cho hay.
Các BS hướng dẫn, khi có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn nấm (tê môi, đau đầu, đau bụng…), nếu bệnh nhân còn tỉnh táo và chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn và khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu từ lúc ăn đến khi có biểu hiện ngộ độc dưới 6 giờ thì bệnh nhân có thể điều trị tại trạm y tế xã, bệnh viện huyện. Nếu hơn 6 giờ cần phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu.
Theo các BS, nấm độc có loại chỉ gây rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, đi ngoài nhưng có loại rất nặng gây tổn thương gan, gây chảy máu, nguy cơ tử vong rất cao. Triệu chứng của ngộ độc nấm mới đầu có thể rất mơ hồ: đau bụng, đi ngoài sau đó tự cầm, khiến bệnh nhân chủ quan không đến bệnh viện. Tuy nhiên, khi các triệu chứng ngộ độc xuất hiện trở lại thì đã hôn mê gan, tổn thương gan.
Nam Sơn
ThanhNien