Bài Báo Cáo Lớp Tìm Hiểu Và Ứng Dụng Tâm Ngôn Bùi Quôc Châu

Bài Báo Cáo Lớp Tìm Hiểu Và Ứng Dụng Tâm Ngôn Bùi Quôc Châu

Bài Báo Cáo Lớp Tìm Hiểu Và Ứng Dụng Tâm Ngôn Bùi Quôc Châu

Thầy rất cảm động khi đọc được bài báo cáo của em Trương Thị Mỹ Lệ sau khi em tham gia lớp ” Tìm Hiểu Và Ứng Dụng Tâm Ngôn” mà Thầy chỉ đạo em Trần Lan Anh triển khai tại Hà Nội. Cám ơn em vì đã hiểu và cảm nhận được sâu sắc những thông điệp mà Thầy muốn gửi gấm đến tất cả các học viên.
  • Liên hệ

Thầy rất cảm động khi đọc được bài báo cáo của em Trương Thị Mỹ Lệ sau khi em tham gia lớp ” Tìm Hiểu Và Ứng Dụng Tâm Ngôn” mà Thầy chỉ đạo em Trần Lan Anh triển khai tại Hà Nội. Cám ơn em vì đã hiểu và cảm nhận được sâu sắc những thông điệp mà Thầy muốn gửi gấm đến tất cả các học viên.

Tôi tên là Trương Thị Mỹ Lệ, sinh ngày 23 tháng giêng năm 1972, tại Biên Hòa. Hiện nay tôi đang sống tại Italy từ năm 1983.
Từ bé, tôi đã rất may mắn là được cái tánh thích học hỏi và hay lắng nghe những kinh nghiệm của người lớn tuổi. Khi tôi qua Ý tôi chỉ có 11 tuổi thôi nhưng tôi đã “nhiễm” đủ văn hóa Việt Nam để nhìn nhận là mình đã tới một nơi rất lạ về mọi mặt. Không những khi ra đường không còn nghe được tiếng mẹ đẻ quen thuộc mà cả những thông điệp bí ẩn sau những cách xưng hô, sau những bài văn học trong trường, nói về đạo đức, về luật ứng xử, về giá trị cuộc sống, hình như cũng không còn đâu nữa.
Có lẽ vì trong thâm tâm mình muốn bám chặt những gì quý báu mà mình sợ sẽ mất hẵng nên tôi cố tìm sách tiếng Việt để đọc, nhất là những sách về cổ tích, phong tục và ca dao tục ngữ. Lúc đó tôi rất thích sưu tầm những câu thơ đầy ý nghĩa giáo dục, trên những tờ lịch của chùa Khánh Anh mà nội tôi mua mỗi năm từ bên Pháp. Những câu như “Đường dài mới biết ngựa hay, ở lâu mới biết lòng ai chánh tà”, hoặc “Biết người, biết mình, trăm trận đánh, trăm trận thắng” đã cho tôi nhiều bài học rất hữu ích trong đời và đôi khi là những lời an ủi vô giá hay những giải đáp cho các tình huống khó xử.
Có lẽ vì vậy mà khi lần đầu tiên tôi nghe Thầy Châu dạy Diện Chẩn, tôi đã xúc động ra nước mắt như đã tìm ra được một của quý, nhưng của quý đó không phải là Diện Chẩn mà là Thầy Châu, là Tâm Ngôn của Thầy.
Tôi đến với Diện Chẩn là vì muốn học một phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, nhưng tôi đã “bị” lôi cuốn bởi bài học thứ nhất của Thầy Châu. Với một giọng nói trầm ấm, tự nhiên, như một người cha, người ông, Thầy đã nói: muốn học giỏi và làm giỏi bất cứ chuyện gì, nhất là Diện Chẩn, thì phải rèn cái tâm, vì “Tâm là nền, trí là nhà. “Không thể cất nhà cao nếu nền không vững” và “Tâm là rễ, thuật là cành lá”.
Tôi đã nhận ra là mình phải nhất định đi theo người Thầy này vì lúc đó tôi có cảm giác như mình là một người đã vừa mua một mảnh đất hoang và sau đó khám phá ra là dưới lòng đất đó có một mỏ vàng.
Và từ đó tôi đã tìm đọc 90 câu Tâm Ngôn của Thầy (rất cám ơn những người đã làm ra Facebook, internet) và tôi nhận thấy là câu nào cũng là một bài học đáng giá nên tôi đã dịch ra tiếng Ý để các bạn Ý cũng biết người phát minh Diện Chẩn là ai và người ấy có tâm hồn cao lớn như thế nào.
Tâm ngôn của Thầy đúng là thông điệp từ trái tim, và nó cho tôi nhìn thấy trái tim của Thầy giản dị mà bao la: Thầy đã không giấu giếm gì về phương pháp Diện Chẩn, mà Thầy còn dạy cho ta bí quyết để thành công. Những câu đơn sơ như “ bài học thứ nhất là điểm tựa cho bài học thứ hai. Bài học thứ hai là điểm tựa cho bài học thứ ba v.v…không có điểm tựa vững chắc khó bước lên cũng như bước tới…”; “Thực hành là bí quyết để nhớ nhanh nhất và nhớ lâu nhất những gì mình đã học”; “Nhai chậm thì ngon, học chậm thì giỏi” và nhiều câu nữa, cho tôi một cách để học rất nhanh và có kết quả tốt.
Câu như “Tâm bình Trí sáng”, nó đã giúp tôi biết dừng lại và chậm lại trước những khó khăn để bình tâm lại và tìm ra giải đáp (và đây tôi xin cảm ơn phác đồ yêu thương của Thầy và cả Âm Dương khí công vì hai thứ này giúp tôi bình tâm trong tức khắc); câu “Tâm hướng về đâu – nơi đó sẽ có ánh sáng” (cộng với 26 60 hoặc ADKC) giúp tôi chữa bệnh cho người ở xa và cho tôi nhiều tự tin là mình có thể đánh lùi những chuyện không hay và bảo vệ những người chung quanh mình bằng cái tâm của mình.
Qua Tâm Ngôn của Thầy, tôi đã học được thêm giá trị cao quý của chữ Tùy mà trước đây tôi đã “rất mến”: nó không chỉ quan trọng trong Diện Chẩn thôi mà nó còn giúp tôi đạt được vị tha, linh động, phá chấp và tôi rất thích nói về nó bởi vì tôi ngộ ra nó sẻ là vũ khí rất mạnh để con người chiếm được sự bình đẳng thật sự.
“Tùy là đối đãi chứ không phải là ba phải” đã dạy tôi biết đối xử với mọi người với tầm nhìn của người đó nhưng vẫn giữ bản lĩnh và tư tưởng của mình, làm những gì cho hài lòng đối phương nhưng không phải lúc nào cũng “chiều” được.
Trong những câu nói rất ngắn ngủi, Thầy dạy đủ điều: nào là cách làm người, làm con, làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng, làm bạn, làm thầy, làm Diện Chẩn, làm thương mại, làm lãnh đạo… nếu phải chỉ ra tất cả những gì mà tôi đã học được qua Tâm Ngôn của Thầy thì chắc phải viết vài chục trang.
Tôi rất biết ơn Thầy vì đã cho xuất bản 2000 câu Tâm Ngôn, và tôi đã rất may mắn được Thầy đích thân dạy dỗ qua Tâm Ngôn: hôm đó Thầy biết tôi không vui vì có người không hài lòng và làm khó anh em tôi trong việc phổ biến Diện Chẩn bên Ý, Thầy đã nói với tôi: “Con có thấy nước suối chảy chưa? Nếu có một tảng đá chận nó thì nó cứ nhẹ nhàng chảy quanh qua tảng đá. Một thời gian sau, người ta có thể không còn thấy tảng đá nữa mà chỉ thấy nước cứ thản nhiên chảy”. Với ít lời như vậy thôi mà Thầy đã cho tôi thấy rất rõ mình phải cư xử như thế nào trong những tình huống như thế. Tôi đã thấy lòng nhẹ hẵn.
Quyển sách nho nhỏ Tâm Ngôn Bùi Quốc Châu nó đúng như là một cuốn Linh Thư – Linh Ngữ: mỗi khi tôi có vấn đề gì khó xử, tôi mở nó ra thì tôi đọc được ngay câu mà mình đang cần để đối phó hoặc giải quyết vấn đề. Thật là thú vị và kỳ diệu. Có nó tôi thấy như bất cứ lúc nào tôi cần, tôi cũng có Thầy bên cạnh, với cả trí tuệ và trí huệ của Thầy. Một hôm, tôi thấy khó chịu vì hành động của một người, người này đã không ủng hộ chúng tôi trong việc phổ biến Diện Chẩn trên đất Ý mà còn làm những chuyện có thể ảnh hưởng không hay cho Hiệp Hội của chúng tôi (không biết là vô tình hay cố ý). Hôm đó tôi đã mở cuốn Tâm Ngôn ra thì câu tôi đọc được chính là: Đi đường xa mà cứ lo phủi bụi cho đôi giày mình đang đi thì đi biết bao giờ mới tới nơi. Tôi bật cười và nhận ra ngay đó là lời Thầy ban cho chính mình và chính ngay lúc mình cần nó. Tôi chợt vui lên, quên chuyện đó và tiếp tục việc làm của mình để phổ biến Diện Chẩn và “đi tới nơi”, đó là: mọi nhà đều có ít nhất một người biết dùng Diện Chẩn để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Vốn tôi đã đọc và ngẫm nghĩ về Tâm Ngôn của Thầy từ năm 2012 rồi, và tôi đã dịch ra tiếng Ý hơn 500 câu vì tôi muốn chia sẻ với các bạn Ý của quý này, nhưng khi cô Lan Anh nói mở khóa học Tâm Ngôn Bùi Quốc Châu thì tôi ước ao được tham gia vì tôi rất quý và trọng Lan Anh. Tôi đã may mắn được Thầy tạo duyên cho hai chi em gặp gỡ. Tôi đã có ấn tượng tốt ngay từ buổi nói chuyện ban đầu và qua thời gian tôi đã càng khâm phục tâm đức và tài năng của người mà Thầy đã sáng suốt chọn làm Người giữ lửa. Tôi nghĩ là tham gia lớp nhất định sẽ “được lời” (như bạn Công trong lớp thường nói một cách rất dễ thương) nhưng không ngờ là … “lời quá xá luôn”.
Cô giảng viên Lan Anh đã nói không thấy mệt liên tục hai tiếng đồng hồ mỗi lần, và cả lớp lắng nghe không chớp mắt, như nghe một Linh mục hay một Thầy chùa giảng đạo rất lôi cuốn. Tôi đã được đi sâu vào câu “Vô tri bất mộ” và đã khám phá ra được bao nhiêu thông điệp mà trước kia chưa hề nghĩ tới. Nó không chỉ đơn giản là Không biết thì không quý, mà nó còn nhắc mình phải thận trọng hơn trong đối phó với người khác vì nhiều khi mình phán xét sai vì mình chưa biết về người bên mình; nó nhắc mình phải sống chậm lại một tí để cho mình và cho người cơ hội để hiểu biết và không phạm lỗi; và nó nhắc mình phải biết những giá trị của mình và của những gì mình trao tặng cho người khác để chọn cách trao sao cho phù hợp.
Giác ngộ ra được những thông điệp bí ẩn của một câu thôi thì các câu kia cũng tự nhiên chứa đựng nhiều thông điệp hơn (rõ là Nhất quán thông, vạn sự thông). Tôi thật lòng biết ơn Thầy đã nghĩ ra những câu này và thật lòng biết ơn Lan Anh đã trang bị cho tôi thêm “chìa khóa” để thấu được sâu hơn.
Không thể ghi hết những gì tôi đã “lời” được qua lớp học này, trước nhất là câu Vô tri bất mộ quen thuộc đã có thêm ý nghĩa và đã cho tôi một cách sống mới, chậm hơn một tí, nhất là đối với chồng con (chồng tôi là người Ý, nên nhiều khi sự khác biệt văn hóa gây ra không hiểu nhau; hai con tôi đang tuổi dậy thì nên có nhiều tư tưởng và tầm nhìn khác với cái của tôi, nên cũng có nhiều lúc căng thẳng vì…vô tri) và sau đó là rất rất nhiều sự giác ngộ khác. Y như là đã đi học một khóa tu, với một tu sĩ rất giỏi.
Trong những câu đã được nhắc tới trong các buổi học, tôi rất vui khi đã hiểu sâu hơn về câu Qua rừng Y mới tới biển Đạo và sự liên hệ của nó với cái tên Việt Y Đạo mà Thầy đã chọn cho trung tâm và trường phái của mình. Thật vô cùng biết ơn Lan Anh đã chia sẻ hiểu biết. Xưa kia tôi chỉ nghĩ là Thầy muốn nhắc mình học và hành Y cho thật giỏi để có phương tiện giúp người và trở thành người tốt để đạt được Đạo nhưng tôi chưa chú tâm tới sự quan trọng của chữ Rừng và Biển trong câu này. Nhờ khóa học này tôi mới hiểu hết lời khuyên dặn của Thầy: trong rừng y dể bị lạc lắm, có rất nhiều hoa xinh bướm đẹp, và nếu ta chỉ lẩn quẩn bên cái Y, cái thuật thì sẽ không vượt khỏi rừng y và đến biển đạo bao la và yên tịnh. Thông điệp này làm tôi cảm động vô cùng. Tôi đã rất quý bài viết về Việt Y Đạo của Thầy, và tôi đã hiểu ý Thầy là “dùng y tải đạo”, nhưng trước đây tôi chưa ngộ được là Thầy đã biết thế nào rồi cũng sẽ có người mê thuật quá mà quên đạo, bám cái hữu hình mà không tìm được cái vô hình nghìn lần to lớn hơn. Trong quá trình phổ biến Diện Chẩn trên nước Ý, chúng tôi luôn nói về tấm lòng vĩ đại của Thầy và luôn nhắc về chữ Tùy, chữ Tâm, và mục đích của Việt Y Đạo là Chân, Thiện, Mỹ, nhưng từ nay tôi sẽ nhấn mạnh về ý nghĩa của Rừng y và Biển đạo, vì thật vậy: sự cám dỗ của rừng y nó rất mạnh và nhiều người trong Diện Chẩn dễ bị lạc trong rừng này. Thật cảm ơn sự sáng suốt của Thầy.
Tâm Ngôn Bùi Quốc Châu đúng là chìa khóa để đạt Đạo giữa đời thường vì Tâm Ngôn không nói về Chúa, không nói về Phật, không nói về bất cứ một tôn giáo nào mà nó vẫn chỉ đường cho ta được hạnh phúc, tạo phước, không phạm tội lỗi, tóm lại là …được ĐẮC ĐẠO.
Trong Tâm Ngôn của Thầy có một câu mà đã làm tôi và các bạn Ý rất xúc động đó là lời nhắc nhở của Thầy “Hãy cho người bạn yêu thương một điểm tựa để họ có thể nâng lên gánh nặng của cuộc đời”. Thưa Thầy, qua Diện Chẩn Thầy đã cho rất nhiều người một điểm tựa rất tốt, với Âm Dương Khí Công Thầy đã nhân đôi sự vững chắc của điểm tựa đó và với Tâm Ngôn, con nghĩ rằng điểm tựa đó sẽ không bị bất cứ sức mạnh nào rung chuyển được; và qua ba tác phẩm này của Thầy thì chính Thầy là điểm tựa của con và của rất nhiều người khác. Các ngôi nhà Diện Chẩn trên thế giới, nếu đi theo con đường Thầy chỉ dạy thì sẽ là những ngôi nhà có một cái nền rất vững vì cái nền đó là cái Tâm vô biên của Thầy. Chúng con thật hạnh phúc khi được chính Thầy dìu dắt và khuyên bảo.
Trước khi kết thúc bài báo cáo này, tôi muốn cảm ơn các cô chú và anh chị em trong lớp về những chia sẻ của các bạn vì mỗi người có một kinh nghiệm sống và một hoàn cảnh nên mỗi người tiếp nhận một thông điệp khác nhau, nên sự chia sẻ đã làm cho lớp học rất thú vị và ý nghĩa( đúng là “kiến thức chia mười là kiến thức nhân trăm”)
Chân thành biết ơn các bạn cùng lớp, biết ơn Lan Anh, biết ơn Thầy và biết ơn Đời đã cho ta gặp nhau.
Mỹ Lệ
Padova, 11/06/2020

Khóa học khác
SHOP DIỆN CHẨN
Zalo
Hotline
DMCA.com Protection Status