*Về lĩnh vực khoa học- kỹ thuật, vang danh cả trên trường quốc tế là giáo sư viện sĩ TRẦN ĐẠI NGHĨA (13/9/1913 – 09/8/1997) – Ảnh bên dưới.
Ông tên thật: Phạm Quang Lễ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo ở xã Hòa Hiệp – huyện Tam Bình – tỉnh Vĩnh Long. Đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Mỹ Tho, ông lên Sài Gòn tiếp tục đi học. Năm 1933, ông đỗ đầu 2 kỳ thi: Tú tài bản xứ – ban Toán và đỗ hạng ưu Tú tài Tây – ban Triết.
Năm 1935, ông đi du học ở Pháp. Qua 11 năm tại đây, ông đã tốt nghiệp nhiều trường Đại học quốc gia: Cầu – Đường, Điện, Mỏ, Bách khoa, Học viện kỹ thuật Hàng không và nhiều chứng chỉ khoa học cơ bản của Đại học Tổng hợp Sorbone. Ong cũng đã bí mật học thêm chế tạo vũ khí.
Tháng 5. 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris dự Hội nghị Fontainebleau, ông đã được gặp Bác, Sau đó, cùng một số trí thức yêu nước tình nguyện theo Bác về VN với hơn một tấn tài liệu quí thuộc lĩnh vực chế tạo vũ khí.
Ngày 5. 12. 1946, ông được Bác giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục quân giới Bộ quốc phòng và đặt cho “bí danh” là Trần Đại Nghĩa. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trong điều kiện hết sức khó khăn, bằng sự nỗ lực và sáng tạo tuyệt vời, cùng với cán bộ – công nhân ngành quân giới, nhiều loại vũ khí mới ra đời: súng Bazoka, súng không giật (SKZ), bom bay… Hiệu quả đã làm kinh ngạc giới quân sự các nước phương Tây.
Ông đã gánh vác nhiều cương vị quan trọng: Cục trưởng Cục quân giới – Cục trưởng Cục pháo binh – Chủ nhiệm Uy ban khoa học kỹ thuật nhà nước – Thứ trưởng Bộ Công thương – Viện trưởng đầu tiên của Viện khoa học Việt Nam…
Ông được phong hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên của nước VNDCCH vào năm 1948. Năm 1952, là trí thức đầu tiên được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã trao cho ông danh hiệu Viện sĩ Hàn lâm vào năm 1967. Năm 1996, ông vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về những công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí.
Những năm cuối đời, sau những cống hiến cho đất nước với một nhân cách lớn và lý tưởng sống cao đẹp, ông cùng gia đình trở về quê hương miền Nam, sinh sống tại quận Phú Nhuận – TP. HCM. GS – VS Trần Đại Nghĩa mất ngày 09. 8. 1997.
*Về lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, người con đất Vĩnh Long tiêu biểu là ÚT TRÀ ÔN (1919–2001), một nghệ sĩ cải lương tài danh.
Ông tên thật là Nguyễn Thành Út, tên thường gọi trong gia đình là Mười Út (con thứ mười cũng là con út), sinh tại ấp Đông Phú, làng Đông Hậu, quận Trà Ôn, xưa thuộc tỉnh Cần Thơ nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. Năm 16 tuổi, với lòng đam mê cháy bõng, ông học hát tại làng quê ông, vùng đất nổi tiếng với nghệ thuật cải lương. (Ảnh bên dưới)
Năm 1937, Mười Út được người quen giới thiệu với Đài phát thanh Sài Gòn và từ đó chính thức có nghệ danh Út Trà Ôn. Giọng ca truyền cảm, ấm áp, chân thành, đậm chất miền Tây Nam Bộ của ông được giới thiệu trên làn sóng điện đã nhanh chóng được đông đảo thính giả yêu chuộng. Bản vọng cổ đầu tiên ông ca trên đài là bản: “Thức trọn canh thâu”. Với niềm đam mê nghệ thuật và khả năng ca diễn xuất sắc, Út Trà Ôn thường xuyên góp tiếng hát cho Đài phát thanh, thu âm cho các hãng băng đĩa, như đã góp phần nâng cao uy tín cho hãng đĩa ASIA với bài vọng cổ “Tôn Tẩn giả điên” gồm có 20 câu, sáng tác của một vị Yết-Ma (tu sĩ Phật giáo).
Năm 1942, ông lần lượt biểu diễn cho các gánh cải lương như: Hề Lập, Thanh Long, Tiến Hóa, Mộng Vân, Sao Mai, Thanh Minh… Năm 1954, khi lập gánh hát Kim Thanh là lần đầu tiên ông làm bầu một đại ban danh tiếng lừng lẫy lúc bấy giờ vì có nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Thanh Tao, Kim Chưởng, Thuý Nga cùng làm giám đốc. Năm 1960, ông cộng tác với đoàn Thủ Đô.
Năm 1962, Út Trà Ôn và người bạn thân là nghệ sĩ Hoàng Giang lập gánh Thống Nhứt, rồi cộng tác với các đoàn như: Dạ Lý Hương, Thái Dương, Quốc Thanh, Hương Dạ Thảo, Phương Bình, Thanh Hải, Tân Hoa Lan, Kim Chung v.v..
Sau ngày 30-4-1975, ông cộng tác với đoàn cải lương Sài Gòn 1, Trần Hữu Trang và sau đó là Sân khấu Tài Năng hay còn gọi là đoàn 2-84.
Tháng 3-1997, ông được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân.[1] Ông từ trần ngày 13-8—2001 tại TPHCM, an táng tại Chùa Nghệ sĩ, Q.Gò Vấp, hưởng thọ 82 tuổi. Năm 1997 ông được phong tặng danh hiệu ‘Nghệ sĩ nhân dân- đợt 4’ và huân chương ‘Vì sự nghiệp sân khấu’ vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật cải lương.
Bằng giọng hát ấm và ngọt, nghệ sĩ Út Trà Ôn nổi tiếng với rất nhiều bài vọng cổ mà nhiều bài cho đến ngày nay vẫn còn đọng lại ít nhiều ký ức và tình cảm trong lòng người mộ điệu, như các bài: Gánh chè khuya, Ni cô và lão ăn mày, Ông lão chèo đò, Gánh nước đêm trăng, Tôn Tẩn giả điên, Tình anh bán chiếu…
Ông cũng được khán giả ái mộ với vai diễn/giọng hát trong nhiều vở cải lương, như: ông cò Hương / Ông cò quận 9 (trong vở Tuyệt tình ca), ông Phú (trong vở Nạn con rơi) cùng các vai trong các vở: Tiếng hát Muồng Tênh, Kiều Phong A Tỷ, Sương khói rừng khuya, Quân Vương và thiếp, Lưu Bình Dương Lễ…
Kế đó, nhân tài sinh ở Vĩnh Long cũng về lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật còn có nghệ sĩ TỐNG HỮU ĐỊNH (1869 – 1932).
Tống Hữu Định, bút hiệu Tịnh Trai, thân phụ là hương cả Tống Hữu Diên, có thời cụ tham gia chống Pháp. Tống Hữu Định là con trai thứ 12 trong gia đình và làm chức Phó tổng nên còn gọi là Thầy Phó Mười Hai.
Vương Hồng Sến viết: “Ông là người ăn chơi bậc nhất ở Vĩnh Long. Những năm 1915-1920, lúc sanh tiền thầy hay tổ chức đờn ca, đá gà, thi thơ…”
Ông có sáng kiến đã nghĩ ra “điệu ca ra bộ”, cũng từ đấy coi như ra đời nghệ thuật sân khấu cải lương. Buổi diễn “ca ra bộ” lần đầu tiên là tại nhà ông, với bài ca ‘Bùi Kiệm thi rớt trở về’ diễn theo điệu Tứ đại oán với 3 diễn viên: Nguyệt Nga (cô Ba Định), Bùi ông (ông giáo Du) và Bùi Kiệm (ông giáo Minh), được bà con hoan hô nhiệt liệt. Báo “La Dépêche d’Indochine” số 2739, ngày 21-9-1937, ghi: “Ngày 15-11-1918, là lần thứ nhất diễn tuồng cải lương ở nhà Thầy Phó Mười Hai, kế đó đi diễn các nơi: Sa Đéc, Vũng Liêm…”.
Ảnh: Sân khấu cải lương xưa
Từ đó nghệ thuật cải lương bắt đầu xuất hiện lan rộng ra khắp đồng bằng Nam Bộ.
Tống Hữu Định còn là người có công tu sửa Văn Thánh miếu ở Vĩnh Long. Khoảng năm 1901, ông thấy cảnh Văn Thánh miếu điêu tàn, hư dột, ông làm bài thơ xin quyên tiền để tu sửa: Kết quả quyên được 23.000 đồng, lúc ấy một giạ lúa khoảng 2 cắc bạc, rồi chính ông trông nom, tu sửa Văn Thánh miếu được khang trang.
Tống Hữu Định là một nhân sĩ, một nghệ sĩ, một nhà thơ, có công phát huy truyền thống văn hóa dân tộc ở tỉnh Vĩnh Long và cả vùng đất Nam Bộ.
MỘT SỐ ANH HÙNG, DANH NHÂN KHÁC CỦA ĐẤT LONG HỒDINH (XƯA) VÀ VĨNH LONG (NAY):
Nhà thơ Truy Phong (1925 – 2005)
Nguyễn Đáng (1925 – 1984)
Nguyễn Thông (1827 – 1884)
Nguyễn Thị Nhỏ (1909 – 1946)
Nguyễn Văn Thiệt (1906 – 1970)
Phan Tôn (1837 – … )
Phan Liêm (1833 – … )
Phan Văn Trị (1830 – 1910)
Trọng Nguyên (1937 – 1981)
Huỳnh Kim Phụng (1926 – 1970)
Phan Văn Đáng (1919 – 1997)
Nhà văn Phan Huấn Chương (1902 – 1943)
Lý Liễu (1893 – 1933)
Đốc binh Lê Cẩn (… – 1872)
Lưu Văn Liệt (1945 – 1966)
Nguyễn Giao (… – 1873)
Anh hùng LLVTND Lê Văn Lăng (1946 – 1968)
Tống Phước Hiệp (… – 1776)
Châu Thị Vĩnh Tế (1766 – 1826)
Trần Quang Quờn (1875 – 1946)
Trần Văn Đang (1942 – 1965)
Châu Văn Tiếp (1738 – 1784)
Phan Thanh Giản (1796 – 1869)
Nghệ sĩ ưu tú Lệ Thủy
Nguyễn Thanh Sơn (1910 – 1996)
Anh hùng LLVTND Thạch Thia (1948 – 1972)
Phạm Thái Bường (1915 – 1974)
Nguyễn Văn Thủ (1915 – 1984)
Nhiêu Tâm (1840 – 1911)…
* Thực hiện: VŨ VĂN HỘI – PVH