(Ảnh minh họa)
Một số người có năng lực biết trước những mối nguy hiểm đang tới với mình trong khi tuyệt đại đa số cộng đồng không có khả năng này. Năng lực đó được gọi là linh cảm hay trực giác.
Vài mẩu chuyện độc đáo
Nhà thơ Nga Lermontov (1814-1841) đã kể lại câu chuyện khi ông còn là sĩ quan biên phòng ở Kavkaz. Một hôm, khi đang ngồi đánh bài với lính của mình, ông nhìn thấy một người có vẻ mặt khác lạ so với ngày thường, ông bèn nói với anh ta: “Anh phải đề phòng, có lẽ anh sắp bị chết bất đắc kỳ tử. Đêm nay, anh nên ngủ lại ở đồn biên phòng và sáng mai hãy về”. Người ính ấy không tin nên cứ ra về và dọc đường không may anh ta đã bị một kẻ say rượu đâm chết.
Một câu chuyện được nhiều người biết về năng lực trực giác là vụ thoát chết của Thủ tướng Anh Churchill (1874-1965) trong Thế chiến II. Năm 1944, khi ông vừa chuẩn bị rời trận địa tên lửa thì máy bay của quân Đức ập tới.
Người tài xế vội vàng nổ máy cho xe đi. Nhưng Churchill không mở cửa xe mà chạy vòng ra phía sau. Chỉ trong tích tắc đó, một quả bom thả từ máy bay quân Đức rơi ngay cạnh cửa xe chỗ Churchill vừa đứng. Vị Thủ tướng Anh đã thoát chết trong gang tấc.
Sau này, trong hồi ký của mình, Churchill kể lại thời khắc ấy: “Dường như có một sức mạnh nào đó bên trong đã mách bảo tôi phải rời ngay khỏi chỗ đứng”.
Một câu chuyện ly kỳ khác được kể lại trong cuốn Thế giới kỳ bí cũng chứng minh điển hình cho sức mạnh của năng lực linh cảm.
Vào một buổi chiều, khi đang trực ở đồn cảnh sát phía Nam Baltimore nước Mỹ, viên trung sĩ Curt Spanoa được bà Maraha Goldscher báo tin qua điện thoại là Kim, con gái bà, 22 tuổi đã mất tích. Bà Goldscher trình báo rằng: Vào lúc 7h30 sáng nay, bạn trai của Kim là Eric Cada, 24 tuổi đã đón Kim đi làm nhưng ông chủ của Kim nói rằng chưa thấy cô từ sáng tới giờ. Bà này cũng nói thêm rằng bà linh cảm có điều gì đó bất ổn xảy ra với con gái mình.
Các bạn ở chung phòng với Eric đã cung cấp cho Spanoa số thẻ tín dụng của Eric. Viên trung sĩ lần theo manh mối này và biết được một hợp đồng giữa Eric với công ty vừa thực hiện cách đây vài giờ. Số tiền mà Eric rút ra sẽ được chuyển tới địa chỉ có mã số 21227.
Dựa trên mã số, viên trung sĩ suy luận: “Với số tiền này thì họ có thể thuê được loại phòng nào?, Tại sao Kim và Eric lại ở trong khu vực nhếch nhác và hỗn độn nhất ở miền Nam Baltimore? Có thể một người khác đang sử dụng tấm thẻ tín dụng của Eric”.
Trực giác mách bảo Spanoa phải đi tìm chiếc xe của Eric tại các bãi đậu của khách sạn và cuối cùng viên cảnh sát cũng tìm thấy nó tại khách sạn Terrace. Sau khi hỏi số phòng và vị trí cửa sổ, Spanoa đã lần mò đến phòng Eric đang thuê. Qua khe cửa sổ, ông thấy một gã đàn ông đang nằm trên giường, còn Eric và Kim nằm trên 1 giường khác. Linh cảm về một mối nguy hiểm, Spanoa vội vã quay trở ra lấy chìa khóa.
Ông cẩn thận mở cửa và bất thần nhảy vào khống chế gã đàn ông trước khi hắn kịp trở tay. Ngày hôm sau tại phòng điều tra, Spanoa được biết gã đàn ông bị bắt giữ tên là Racard khai là hắn đang toan tính giết hại Kim và Eric.
Ở Việt Nam, câu chuyện về bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã trở nên nổi tiếng và là một ví dụ tiêu biểu về năng lực linh cảm của con người. Tháng 9/1972, Lê Văn Huỳnh tham gia chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Trong bức thư đề ngày 11/9/1972 gửi về gia đình, Lê Văn Huỳnh đã biết được ngày mình hy sinh và đặc biệt còn nêu chính xác nơi chôn cất mình và hướng dẫn đường đi cho người thân khi đi tìm mộ anh. Điều đó thật đáng kinh ngạc.
Vén bức màn thần bí
Bản chất của linh cảm, trực giác là gì? Nó có phải là một năng lực siêu nhiên thần bí hay chỉ là một cơ chế của bộ não mà con người chưa làm rõ được. Các khoa học gia đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu vấn đề này và cũng đã đạt được nhiều kết quả.
Nghiên cứu thực nghiệm trên số đông, giáo sư tâm lý học Malcoim Westcott của đại học York ở Canada rút ra kết luận linh cảm là khả năng đi đến một kết luận chính xác với những thông tin giới hạn.
Vị giáo sư này đã thử nghiệm với nhiều người bằng cách cho họ giải quyết một vấn đề với chỉ rất ít thông tin. Kết quả cho thấy phần lớn những người tham gia thử nghiệm chỉ đoán mò và sai lầm. Tuy nhiên một vài người khác cũng có khả năng đưa ra giải pháp đúng đắn dù cũng chỉ có lượng thông tin ít ỏi như nhau. Và Westcott đi đến kết luận những người này đã biết kết hợp thông tin từ ông và những thông tin chọn lọc từ kinh nghiệm bản thân họ để tìm câu trả lời.
Tiến sĩ tâm lý học Timothy D.Wilson của đại học Virginia (Mỹ) thì cho rằng: “Linh cảm là sự gợi nhớ từ một miền vô thức. Đây không phải là những ký ức bị dồn nén hay những cảm xúc nguyên thủy mà là một cơ chế trong não có tác dụng điều hành các thông tin về cảm giác cùng với những hành động vượt ra ngoài tầm ý thức của con người”.
Đồng quan điểm đó, tác giả cuốn “Trực giác hoạt động”, Tiến sĩ Gary Klein cho rằng: Cái mà người ta thường gọi là khả năng nhìn thấy cái vô hình chính là những năng lực tiềm tàng của trực giác con người. Đặc biệt, đối với những người mà nghề nghiệp buộc họ phải đưa ra những quyết định sinh tử và tức thì như lính cứu hỏa, y tá cấp cứu hay lính trận là những người thường thấy xuất hiện giác quan thứ sáu. Họ thường thực hiện các hành động theo một linh tính nào đó trong những tình huống khẩn cấp khi họ không thể chọn lựa hay đưa ra một quyết định có ý thức.
Mới đây nhất, Tiến sĩ Howe ở đại học Melbourne cho đăng nghiên cứu mới của ông về năng lực trực giác trên tạp chí PloS ONE. Tác giả cho rằng tiềm thức không bao giờ ngưng hoạt động, nó luôn luôn tích lũy nhờ những thông tin, kinh nghiệm và trí nhớ. Nó là cái kho vô tận để nảy sinh các linh cảm. Cho nên linh cảm không phải là chuyện may mắn. Nó chỉ xuất hiện trên những bộ não đã được chuẩn bị sẵn sàng, cùng với những sự tư duy logic để cung cấp những đầu mối mà thôi.
Khoa học hiện đại cũng nêu lên rằng tâm lý con người chỉ ý thức được một số ít những ấn tượng mà ta cảm nhận bằng 5 giác quan cơ bản: thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác. Nhiều ấn tượng khác mà tâm lý không ý thức được nhưng vẫn được âm thầm lưu giữ vào tiềm thức của não bộ. Tiềm thức luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động. Đó là cơ chế xuất hiện những điều được gọi là linh cảm hay trực giác.
Trần Vũ
Theo nguoiduatin.vn